Cử tri tin tưởng vào khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.
Quang cảnh khai mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tiếp tục Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11-7, tại Nhà Quốc hội, nội dung thảo luận về công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 năm 2022 của Quốc hội được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Theo báo cáo công tác dân nguyện tháng 5, tháng 6 của Quốc hội do Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ ba của Quốc hội và cho rằng kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở chất lượng, nội dung của kỳ họp; thể hiện rõ sự đổi mới trong xây dựng một Quốc hội “Trí tuệ – Đoàn kết – Đổi mới – Trách nhiệm,” củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, thiết kế lại môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa; có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tổ chức phiên họp bất thường ngày 6-7-2022 để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Chính phủ. Theo đó đã giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.
Cử tri và nhân dân cũng hết sức quan tâm, lo lắng về tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao đã kéo theo nhiều giá dịch vụ, hàng hóa khác tăng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; tình trạng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các trang mạng xã hội về các loại thuốc, thực phẩm chức năng… không đúng như chất lượng của sản phẩm, gây thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc của người dân; việc đăng tải và lan truyền các thông tin liên quan đến việc tự tử của trẻ em gây ra những hệ lụy không tốt tới trẻ em, gia đình và xã hội.
Cùng với đó, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm về tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản; việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại một số đô thị, khu dân cư nhưng không đồng bộ với các quy hoạch khác đã được phê duyệt trước đó gây quá tải hạ tầng giao thông, thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích tại một số dự án; vướng mắc trong việc xác định giá trị sử dụng đất và phương án sắp xếp, sử dụng đất đai gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; việc sử dụng tài sản công, nhất là nhà, đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trái quy định gây thất thoát tài sản nhà nước…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo về công tác dân nguyện tháng 5, tháng 6 do Ban Dân nguyện chuẩn bị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan gửi báo cáo về công tác dân nguyện đúng thời hạn để Ban Dân nguyện kịp tổng hợp báo cáo hằng tháng. Các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh tiếp tục theo dõi, bám sát, nắm bắt kịp thời tình hình tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên địa bàn, kịp thời gửi báo cáo đến Quốc hội…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ nội dung báo cáo về những vấn đề có liên quan để khẩn trương xem xét, chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền.