Sinh con sợ bị trao nhầm, đi chơi thì sợ bắt cóc, đi chích ngừa thì sợ nhầm thuốc, đi học thì sợ bị bạo hành, chưa bao giờ sự an toàn của những người chủ tương lai đất nước lại bị đe dọa như hiện nay…
Cử tri Mai Thị Ngọc Thúy (quận 4, TP.HCM) bày tỏ bức xúc như vậy trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng 1-12. Khoảng 450 cử tri các quận 1, 3 và 4 của TP.HCM đã có mặt tại buổi tiếp xúc này.
Bất an bủa vây trẻ em, phụ huynh
Bà Mai Thị Ngọc Thúy nói hiện nay phụ huynh và trẻ em bị bủa vây bởi quá nhiều sự bất an. Với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân, lao động nghèo phải gửi con vào những cơ sở giữ trẻ tư nhân, giá chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Thế nhưng con em họ lại bị đánh đập, hành hạ hàng ngày.
“Tôi cho rằng chuyện ở cơ sở Mầm Xanh (quận 12) vừa rồi chưa phải là sự việc cuối cùng. Giáo viên đánh trẻ thì đình chỉ, cơ sở thì bị giải thể. Nhưng tất cả chỉ giải quyết ở phần ngọn? Khi nào thực tế này mới chấm dứt?”, bà Thúy đặt câu hỏi.
Theo bà Thúy, nguyên nhân chính là sự yếu kém trong quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng: “Các cơ quan phải có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa: có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để cảnh tỉnh, răn đe, lấy lại công bằng cho các bé, xoa dịu nỗi đau của các em và phụ huynh”.
Cử tri Đinh Thị Ngọc Yến (quận 4) thì phản ảnh các khoản đóng góp trong nhà trường đang trở thành gánh nặng cho phụ huynh.
“Nhà nước có chủ trương miễn giảm học phí cho các trường hợp khó khăn, nhưng việc miễn giảm học phí không có ý nghĩa gì nếu tổng các khoản đóng góp trong năm không hề giảm”, bà Yến nói.
Người đốt lò phải giữ được lửa
Cử tri Hồ Quang Chính (quận 3) thì kiến nghị phải chống tham nhũng mạnh hơn, hiệu quả hơn.
“4 triệu đảng viên, hơn 90 triệu dân đứng đằng sau các đồng chí. Lửa trong lò đang cháy thì củi tươi cũng phải cháy – tôi tán thành một nửa. Người đốt lò phải thế nào thì mới duy trì được ngọn lửa. Mong các lãnh đạo hãy nêu gương trước”, ông Chính nói.
“Tôi từng nói với một đồng chí rằng lên trung ương làm việc, đồng chí có thể có 10 cái nhà lầu, nhưng tôi khuyên đồng chí để lại tiếng tốt, tiếng thơm trong nhân dân”.
Theo ông Chính, chống tham nhũng cần nhất là lấy lại bằng được tài sản về cho nhân dân, chỉ nhốt tù không giải quyết được gì. “Bớt chi tiêu, bớt đình đám, bớt tham nhũng thì ắt sẽ có tiền lo cho dân”, ông Chính quyết liệt.
Cử tri Phan Thị Bích (quận 4) đồng quan điểm: “Phải thu hồi tài sản tham nhũng 100%, tịch thu nguồn tài sản không lý giải được nguồn gốc, cho thôi việc, cắt hết các quyền lợi nếu đã nghỉ hưu”.
Cán bộ càng cao phải càng gương mẫu
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với cử tri: “Bạo hành trẻ em là vấn đề hết sức bức xúc, đau lòng”.
“Tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, xử lý nghiêm minh mọi đối tượng bạo hành, xâm phạm trẻ em. Chủ trương chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là bảo vệ và tạo mọi điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện. Đó cũng là cơ sở để xây dựng và phát triển đất nước”, Chủ tịch nước khẳng định.
Về phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước đồng tình phải tạo chuyển biến đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ chống tham nhũng lớn trong các vụ án kinh tế cho đến chống tham nhũng vặt ở cơ sở.
“Những đối tượng tham nhũng len lỏi trong nội bộ, việc phát hiện cũng rất khó. Chống tham nhũng phải làm kiên trì, kiên quyết không loại trừ bất kỳ ai. Ưu tiên hàng đầu là thu hồi tài sản tham nhũng. Những chỗ nào có nghi vấn thì phải điều tra, làm rõ. Cán bộ càng cao phải càng gương mẫu”, Chủ tịch nước nói.
Nhiều ban chỉ đạo chỉ sinh bệnh thành tích
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) nói tinh gọn bộ máy là một yêu cầu bức thiết, nhưng cuộc cách mạng này phải làm cương quyết và thận trọng.
“Tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước rà soát các ban chỉ đạo trên cả nước. Càng tồn tại nhiều ban chỉ đạo, càng tạo cơ hội, điều kiện cho tiêu cực, tham nhũng, bệnh thành tích, nói dối phát sinh”, ông Châu nói.