Không phải lý do dịch bệnh, lâu nay nhiều người xem khoản tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là khoản tiền để dành để rút ra mỗi khi nghỉ việc.
Đa số anh chị công nhân trong khu trọ gần nhà tôi nếu đã đi làm chừng vài năm và đã từng “nhảy việc” thì đều đã rút BHXH một lần ít nhất một lần. Chờ đến 55 – 60 tuổi lãnh lương hưu lâu quá, biết có làm việc đến lúc đó được hay không.
Có người làm 12 năm, làm 3 nơi đã 3 lần rút tiền. Mỗi lần, với mức lương công nhân (khoảng 3 – 5 năm làm việc) với 40 – 50 triệu đồng, người thì mua được cái xe máy, người thì lo học phí cho con, tiêu pha lặt vặt rồi cũng hết.
Là một công nhân đã giữ được khoản đóng BHXH đến 15 năm, chị Nguyễn Thị Bê (37 tuổi, công nhân may) cũng đang làm thủ tục và chờ rút.
“Từ hồi đi làm công nhân, cứ nghỉ công ty này là vô công ty khác làm liền, không rút BHXH một lần chứ người ta thì ai cũng rút. Qua mấy đợt dịch giã, cuộc sống khó hơn, tuổi hưu ngày càng dài ra. Tôi 37 tuổi, sao có thể làm công nhân hơn 20 năm nữa! Vài tháng nữa là sinh con, tôi dự tính cả tiền thất nghiệp nữa sẽ rút được chừng hơn 200 triệu đồng, ở nhà lo cho con chừng 2 – 3 năm rồi buôn bán nhỏ”, chị dự tính.
Có nhiều lý do để rút BHXH một lần và cũng không chỉ có công nhân làm nhà máy, xí nghiệp mới chọn cách này. Làm trong ngành du lịch, đóng BHXH đã 17,5 năm nhưng chị L.T.T. (49 tuổi) vẫn quyết định rút BHXH một lần khi công ty nơi chị làm việc đã không thể trụ lại trong đợt dịch COVID-19 và bị cho nghỉ việc. Tìm việc khác trong ngành du lịch giữa thời điểm này không dễ và càng không dễ khi đã ở tuổi 49 – 50. Chị vẫn quyết định rút để nuôi con đang học đại học.
Với “thói quen” cứ nghỉ việc là trông chờ rút BHXH một lần, nhiều người lao động hầu như cũng không làm được gì đáng kể với số tiền họ rút ra. Khi được hỏi nếu được chọn lựa lại anh chị có muốn giữ lại khoản tiền BHXH hay không, nhiều người đã vài lần rút sổ trả lời rằng sẽ giữ lại.
Cuộc sống công nhân không có dư nhưng khi thấy ai cũng rút thì mình rút, cũng không hẳn là quá cần. Và rồi tiền cũng hết. Nếu cố gắng xoay xở được mà không cần phải rút, ít nhất là đến khi nào nghỉ hẳn về quê chứ không rút giữa chừng.
Xu hướng nhận trợ cấp một lần tăng nhanh
Ông Lê Văn Mến – giám đốc BHXH TP.HCM – cho biết nhóm công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, các nhà máy có xu hướng rút BHXH một lần nhiều nhất và xu hướng nhận trợ cấp một lần tại TP.HCM tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2020 đã gần gấp đôi so với 5 năm trước và độ tuổi rời hệ thống BHXH đang trẻ hơn (năm 2020 bình quân là 35,4 tuổi).
Nguồn: tuoitre.vn