Trái ngược với những gì đã cam kết trước đó của chủ đầu tư là sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng khi dân đến làm nhà, đã hơn 3 năm qua, hàng chục hộ dân sống trong khu biệt thự chục tỷ vẫn khốn khổ vì “khát nước”.

Trước đó, vào giữa năm 2017, PV đã phản ánh việc người dân sống ở mặt bằng 1876 thuộc phường Đông Hương, TP Thanh Hóa “thèm” điện, “khát” nước. Đây là mặt bằng do UBND TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư và Ban quản lý di tích lịch sử Hàm Rồng được giao quản lý đầu tư hạ tầng.

Hơn 2 năm nhận đất, xây nhà ở, người dân vẫn không có điện, nước và đường đi. Tất cả những trạm biến áp chỉ để trưng bày, đường đi lầy lội.

Thời điểm đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Hải, Phó giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử Hàm Rồng cho biết, sẽ nhanh chóng bàn giao hạng mục điện cho công ty điện, còn nước thì do có một chút sự cố đường ống nước đang cho kiểm tra, sau khi kiểm tra xong sẽ yêu cầu nhà thầu nghiệm thu đường ống nước để bàn giao cho công ty nước, kịp thời giải quyết vấn đề điện, nước cho người dân.

Khu biệt thự chục tỷ - nơi người dân kêu cứu vì khát nước.
Khu biệt thự chục tỷ – nơi người dân kêu cứu vì “khát” nước.

Sau khi thông tin trên được đăng tải, nhà thầu đã giải quyết cho người dân vấn đề điện và một số đoạn đường chính. Tuy nhiên hơn 1 năm qua, người dân vẫn tiếp tục kêu cứu vì “khát nước”. Hàng chục hộ dân vẫn sống trong cảnh nước đi xin từng can, những gia đình đấu nối xin nước ở Bệnh viện Thanh Hà thì thời gian cao điểm nước yếu, không đáp ứng được.

Anh Nguyễn Tất Thành, người dân sống ở đây, cho biết: “Ở ngay giữa trung tâm thành phố mà mấy năm trời khốn khổ vì điện rồi đến nước. Ở đây, giải pháp của người dân là dùng nước giếng khoan nhưng nước giếng khoan toàn đá vôi rất nguy hiểm. Thành thử mọi nhà phải đấu chung đường ống với nhau xin nước của Bệnh viện Thanh Hà, nhiều lúc nước yếu có lấy được đâu”.

Cũng theo ông Thành thì nước giếng khoan nhà ông đã qua bể lọc rồi nhưng rất hôi, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, mới đây, gia đình ông đã phải đầu tư 20 triệu chi phí cho việc lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm để tìm cách xử lý.

Một trong những đoạn đường còn chưa hoàn thiện.
Một trong những đoạn đường còn chưa hoàn thiện.

“Bây giờ dân chúng tôi không biết kêu ai nữa, nếu chờ được nước sạch mà nhà thầu đưa về sợ dân bị bệnh tật hết nên mỗi gia đình phải tự tìm cách khắc phục” – ông Thành nói.

Anh Tống Đức Cảnh, cư dân ở lô 21c bức xúc: “Nếu biết khổ thế, chúng tôi chẳng bao giờ mua đất ở đây. Lúc bán, chủ đầu tư hứa hẹn đầy đủ cơ sở hạ tầng khi dân đến ở nhưng giờ đã hơn 3 năm trôi qua, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi”.

Cũng theo anh Cảnh thì nhiều hôm nước yếu, gia đình nhà anh phải sang hàng xóm xin từng can nước để dùng. “Chúng tôi rất mong chủ đầu tư sớm có biện pháp khắc phục tình trạng trên để người dân sớm ổn định cuộc sống” – anh Cảnh cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Liên cho biết: “Thời gian qua, thành phố cũng đã rất nỗ lực, liên tục yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Vấn đề điện và đường cơ bản đã xong còn vấn đề nước thì tất cả các đường ống hiện đã hoàn thành. Tuy nhiên, thành phố cũng khó khăn về tài chính nên giải ngân được cho nhà thầu không được bao nhiêu. Hiện tại còn chính thức nợ nhà thầu 3 tỷ, một số hạng mục đang thi công thì chưa nghiệm thu nên chưa tính nhưng cũng có khả năng toàn bộ cũng rơi vào trên dưới chục tỷ”.

“Thành phố cũng đã đặt vấn đề nhà thầu thống nhất sang thanh toán tiền, không nhiều thì ít để làm việc với nhà máy nước thì họ mới cung cấp nước. Trong tuần này nếu làm hồ sơ xong, tuần tới thành phố giải ngân lúc nào nhà thầu sẽ làm việc với công ty nước lúc đó và sẽ đưa nước về sớm cho bà con”- ông Liên khẳng định.

Theo Dân trí

Từ khóa : biệt thự chục tỷkhát nướcmặt bằng 1876

Các tin liên quan đến bài viết