Đất được cấp năm 1980. Năm 2011, bà Phan khi đó 67 tuổi bắt đầu đi làm thủ tục xin cấp sổ đỏ. 8 năm miệt mài cửa quan, bà Phan được ‘mở mang tầm mắt’ rất nhiều về thủ tục hành… chính.
Phần đất mà bà Phan nhiều năm “đôn đáo” làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng bất thành
Hồ sơ “đến cửa quan” lại “tìm đường về nhà”
Ngày 15/10/2019, bà Lý Thị Phan (SN 1945, tổ 8, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu ) tiếp tục có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Cửa quan bà “đệ đơn” là UBND TP Lai Châu và phường Đoàn Kết.
Theo đơn, năm1980, gia đình bà Phan được UBND huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu cũ) cấp cho 300m2 đất ở. Việc này được minh định bằng giấy chứng nhận quyền quản lý và sử dụng ruộng đất số 220/GCN ngày 26/9/1980.
Năm 1995, Trường cấp 1+2 thị trấn Phong Thổ (cũ) mở rộng. Nhà trường đã trưng dụng đất của gia đình vào diện tích đất của trường để sử dụng và không có đền bù, giải phóng mặt bằng.
Năm 2008, tỉnh Lai Châu thực hiện dự án Quốc lộ 4D tránh thị trấn Tam Đường tại đoạn Km 30 – Km 31. Gia đình bà Phan được nhà trường trả lại đất và được Nhà nước đền bù giải tỏa theo Quyết định 72/QĐ-UBND, ngày 22/1/2008 của UBND tỉnh Lai Châu.
Phần diện tích còn lại là đất thổ cư, gia đình bà Phan đã thực hiện các thủ tục để xin cấp sổ đỏ từ năm 2011. Bà Phan đã hoàn tất các thủ tục theo hướng dẫn. Trong đó, bà có phiếu lấy ý kiến khu dân cư ngày 15/8/2011 xác định diện tích không tranh chấp với 5 gia đình giáp ranh. Ông Lù Văn Coóng, tổ trưởng dân phố chủ trì. Lá phiếu trên còn có xác nhận của ông Lê Tài Khuyến, Chủ tịch phường lúc đó.
Dù đã nhiều lần cố gắng hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn, song “đến cửa quan” nó vẫn bị trả về. Mỗi lần lại có một lý do khác nhau. Năm 2015, nghe lời cán bộ địa chính, gia đình bà Phan lại tiếp tục “xin xác định thông tin quy hoạch”. Lần này, Phòng Quản lý đô thị TP Lai Châu đã có công văn cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng đô thị, xác định diện tích đất của gia đình là 185,6m2.
Tuy nhiên, quá trình xem xét hồ sơ và hiện trạng diện tích đất, cán bộ địa chính tiếp tục đề nghị gia đình bà Phan cung cấp thông tin liên quan khác. Phần thông tin này liên quan đến Quyết định 72/QĐ-UBND, ngày 22/1/2008 của UBND tỉnh Lai Châu, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án Quốc lộ 4D tránh thị trấn Tam Đường . Theo cán bộ, hiện trạng đất của gia đình bà Phan có sự biến động nên lại “tiếp tục yêu cầu gia đình đo đạc lại”.
Mặc dù, đã nhiều lần đề nghị cán bộ địa chính phường đến xác minh lại diện tích, song đều không được giải quyết thỏa đáng. Từ cuối 2017 đến cận kề 2020, đề nghị vẫn chỉ là đề nghị.
Hơn 4 tháng chỉ để đo thực trạng đất
Bà già 75 tuổi, 8 năm đi làm sổ đỏ bất thành. Thế nhưng trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Đặng Việt Hưng, Chủ tịch phường Đoàn Kết cho rằng lỗi do gia đình bà Phan.
“Hồ sơ chưa đo đạc xong, vừa mới chuyển lên phường. Phường đang chuyển sang Văn phòng đăng ký đất đai của tỉnh để họ điều chỉnh diện tích. Việc nhanh chậm là do gia đình không phối hợp với các đơn vị”, ông Hưng nói.
Khi Báo Giáo dục và Thời đại đề cập sự việc kéo dài, chính quyền chưa giải quyết dứt điểm thì ông Hưng hỏi vặn: “Liên quan gì mà các anh lôi lại cái việc của nhà bà Phan?”.
Ông tiếp lời: “Từ năm ngoái gia đình mới có nguyện vọng xin cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên phần đất này nó nằm bám đường 19/8. Theo nguồn gốc hồ sơ khi thu hồi làm đường, đất đấy quy chủ cho trường tiểu học.
Việc xác minh nguồn gốc đất gặp rất nhiều khó khăn. Đo đạc hồ sơ địa chính chưa đồng nhất, không khớp với hiện trạng. Do đó, đề nghị gia đình phải thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân để đo đạc hiện trạng theo đúng thực tế. Việc ấy gia đình là phải đi làm”.
Ông Hưng cũng cho biết thêm: “Trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục cho gia đình bà Phan đã phát sinh đơn thư phản ánh của các hộ gia đình xung quanh về tranh chấp đất. Do đó, phường phải xác minh, giải quyết đơn thư nên mất nhiều thời gian”.
Làm việc với Báo Giáo dục và Thời đại, bà Nguyễn Thị Hằng, cán bộ địa chính phường cho biết: “Quá trình giải quyết rất là phức tạp. Phường đã trả lại hồ sơ nhiều lần. Đề nghị bà Phan tiến hành đo đạc lại. Trước thì bà Phan đề nghị Trung tâm Phát triển Quỹ đất của tỉnh đo đạc.
Tuy nhiên, từ 1/1/2019 trung tâm giải thể. Đơn vị có chức năng đo đạc là Văn phòng Đăng ký sử dụng đất đai (VPĐKĐĐ) của Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành đo lại. Từ tháng 7 – 11/2019 thì VPĐKĐĐ tiến hành đo đạc. Gia đình cũng đang hoàn tất thủ tục, phường cũng đã hoàn thiện ký xác nhận kết quả đo đạc trong ngày 25/12, chuyển kết quả cho gia đình. Bây giờ không còn vướng gì nữa”.
Liệu sau lần này, sổ đỏ có đến được tay bà lão 75 tuổi? Cửa quan đã thông thoáng để bớt hành dân?
Theo Giáo Dục Và Thời Đại