Đối với người dân Somalia ở châu Phi, dịch Covid-19 đã từng là căn bệnh trong ‘truyện cổ tích’ lây lan bên ngoài biên giới nước này, và khiến nhiều quốc gia giàu có phải sợ hãi.
Nhưng tới khi trường hợp nhiễm đầu tiên tại Somalia được phát hiện hôm 16/3 vừa qua, đã tạo cho quốc gia đông Phi này một ‘gánh nặng mới’. Bởi lẽ người dân nước này vốn đã chịu nhiều thiệt hại từ các cuộc xung đột kéo dài ba thập kỷ, các vụ khủng bố cực đoan, hạn hán, dịch bệnh và nạn châu chấu, và nay họ còn phải đau đầu vì vấn đề dịch Covid-19.
“Chúng tôi cực kỳ sợ hãi về căn bệnh này. Thậm chí chúng tôi đã tránh bắt tay với người khác. Nỗi sợ của chúng tôi là sự thật, và không có ai giúp đỡ cho chúng tôi cả”, AP trích lời cô Ali sống trong trại Sayidka thuộc thủ đô Mogadishu, Somalia nói.
Người dân Somalia sống trong trại Sayidka thuộc thủ đô Mogadishu. |
Somalia hiện đang xếp hạng thứ 194 trong tổng số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số An toàn Y tế Toàn cầu năm 2019 của Đại học Johns Hopkins về các khía cạnh như sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp, ứng phó khẩn cấp, thực hiện việc kiểm soát lây nhiễm và tiếp cận chăm sóc sức khỏe.
Bộ trưởng Y tế Somalia Fawsia Abikar cho biết, nước này thiếu rất nhiều thiết bị cần thiết cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện cả nước này chỉ có khoảng 20 giường bệnh trong các khu điều trị đặc biệt. Đồng thời nước này cũng thiếu khả năng thực hiện các xét nghiệm Covid-19, điều này đồng nghĩa các mẫu bệnh phẩm sẽ phải gửi ra nước ngoài và kết quả xét nghiệm luôn bị chậm mất một tuần.
“Đây là căn bệnh đã ‘áp đảo’ rất nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia tiên tiến hơn Somalia”, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed buộc phải thừa nhận.
Tình hình dịch bệnh tại Somalia còn phức tạp hơn khi lực lượng phiến quân Al-Shabab đang kiểm soát nhiều khu vực thuộc miền trung và nam của quốc gia này. Lực lượng phiến quân thường tỏ ra thù địch với các nhân viên cứu trợ nhân đạo.
“Những bài học từ các đại dịch trước đây, trong đó có dịch tả hồi 2017 cho chúng ta thấy rằng lực lượng Al-Shabab sẽ không để các nhân viên y tế tiếp cận các vùng cần sự giúp đỡ”, giám đốc tổ chức Hành động chống đói nghèo (AAH) Ahmed Khalif nói.
Theo ông Khalif, hiện có khoảng sáu triệu người dân Somalia sống trong điều kiện bẩn thỉu, những ngôi nhà của họ được dựng lên bởi các tấm tôn kim loại và việc người dân được tiếp cận nguồn nước sạch cũng rất hạn chế.
Hàng triệu người dân Somalia sống trong điều kiện bẩn thỉu. |
“Điều này vượt quá sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Nếu dịch bệnh lây lan ở diện rộng sẽ là một ‘thảm họa’ đối với người dân Somalia, vốn đã chịu nhiều tổn thương. Virus (Covid-19) không phân biệt giữa người giàu hay người nghèo. Ở nhiều quận thuộc thủ đô Mogadishu, những người dân khá giả đã đổ xô đi tích trữ khẩu trang, chất diệt khuẩn và găng tay”, ông nói thêm.
Hệ thống y tế Somalia luôn trong tình trạng quá tải. Một số nguồn tin giấu tên nói với phóng viên AP rằng, nhiều bệnh viện tại thủ đô Mogadishu đã từ chối điều trị những người có triệu chứng sốt cao, và điều này làm dấy lên lo ngại rằng những người nhiễm Covid-19 có thể sẽ bị cộng đồng xa lánh.
“Nếu đó là sự thật, thì những hành động xa lánh sẽ càng khiến những người nhiễm bệnh e ngại tới các cơ sở y tế. Và khi dịch bệnh lây lan trong chúng ta (người dân), thì chúng ta sẽ là người chịu hậu quả”, AP trích lời của bác sĩ Ali Hassan nói.
Nguồn: vietnamnet