Các bộ trưởng y tế châu Âu đã nhóm họp ngày 7-12 và đưa ra những dự báo không mấy lạc quan trước mắt về dịch COVI-19 tại châu Âu, đặc biệt là sự lan rộng của biến thể Omicron.
Tính đến ngày 7-12, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ghi nhận tổng cộng 274 ca mắc biến thể Omicron tại châu lục. Tuy nhiên tại một số nước, số ca do cơ quan y tế địa phương công bố cao hơn con số ECDC đưa ra, chẳng hạn tại Na Uy và Đan Mạch.
Tại Vương quốc Anh, số ca mắc Omicron đã tăng lên 437 vào ngày 7-12, nhiều hơn tất cả các nước trong Liên minh châu Âu (EU) gộp lại.
Tất cả bộ trưởng y tế EU tham gia “thừa nhận rằng các nước đang đối mặt với một tình huống dịch tễ học rất thách thức”, bà Stella Kyriakides – quan chức EU phụ trách vấn đề y tế – phát biểu trong họp báo ngày 7-12.
Theo bà Kyriakides, sự phát triển và lan rộng của biến thể Omicron trong hai tuần qua cho thấy “châu Âu phải thực hiện hành động khẩn cấp và có phối hợp”.
Trong bối cảnh đó, vẫn có 6 nước thuộc EU có tỉ lệ tiêm chủng dưới 50%, do đó thu hẹp khoảng cách vắc xin là một trong những việc cần làm.
“Các phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả” cũng cần được phê duyệt và cung cấp, theo bà Kyriakides.
Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski thừa nhận “những dự báo ngắn hạn ở châu Âu không mấy lạc quan”, do châu lục chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối năm với các cuộc họp mặt gia đình làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Hãng thông tấn AFP dự đoán sẽ có hàng loạt hạn chế mới được áp dụng trên khắp châu Âu trong thời gian tới. Pháp thúc giục các nước yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính với tất cả người đi lại bằng đường hàng không, bao gồm cả người dân EU.
Mặc dù EU đang chú trọng nhiều hơn vào việc tiêm chủng, giới chức y tế nhận ra vắc xin là chưa đủ, theo AFP.
Ngoài việc tăng cường sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội và không tập trung đông người, EU đang đẩy nhanh phê duyệt các phương pháp điều trị COVID-19.
Ngày 7-12, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt phương pháp điều trị cho những bệnh nhân nguy kịch, được hãng dược Roche bán với tên Actemra hoặc RoActemra. Cơ quan y tế châu Âu cũng khuyến khích kết hợp các loại vắc xin trong chiến dịch tiêm tăng cường ở các nước.
Vẫn chưa rõ về Omicron
Theo chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci, bằng chứng sơ bộ chỉ ra rằng biến thể Omicron có thể có mức độ lây lan cao hơn song ít nghiêm trọng hơn các biến thể trước,
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 7-12, ông Fauci lập luận trong khi số ca mắc biến thể này tăng lên và nhiều nơi ghi nhận các ca mắc, tỉ lệ nhập viện lại không tăng trên thực tế.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày 7-12 cũng đưa ra thông tin tương tự trong bối cảnh số ca mắc Omicron tại Anh tăng nhanh, dự kiến đạt đỉnh ở một số vùng trong vài tuần tới.
Trưởng phòng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu y tế châu Phi ở Nam Phi, ông Alex Sigal, cho biết Omicron có thể “né tránh một phần” sự bảo vệ của vắc xin Pfizer. Tuy nhiên, những người đã tiêm loại vắc xin này có thể “gia cố” hệ thống miễn dịch để khắc chế Omicron bằng một liều tăng cường.
Hàng chục nhóm khoa học vẫn đang chạy đua phân tích, cho ra bức tranh toàn diện nhất về Omicron. Theo chuyên gia Fauci, dữ liệu sớm nhất về biến thể này sẽ có trong vài tuần nữa.
Các tin khác liên quan COVID-19:
Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke xét nghiệm dương tính với COVID-19 ngay trước khi ông tham dự cuộc họp cùng các bộ trưởng y tế EU ngày 7-12. Hiện ông Heunicke đang tự cách ly ở khách sạn và chưa tiếp xúc các quan chức EU khác.
Chính phủ Na Uy siết chặt các biện pháp hạn chế cá nhân trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Các biện pháp mới bao gồm giới hạn số lượng khách đến nhà riêng và rút ngắn thời gian các quán bar, nhà hàng có thể phục vụ rượu từ ngày 7-12.
Hai nguồn tin tiết lộ với Reuters thông tin có tới 1 triệu vắc xin COVID-19 hết hạn sử dụng tại Nigeria. Đây là một trong những vụ lãng phí vắc xin lớn nhất tại châu Phi, cho thấy các quốc gia ở châu lục này vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêm phòng.
Mỹ sẽ chi thêm 400 triệu USD giúp đỡ các nước đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, tăng độ phủ vắc xin đặc biệt tại các nước thu nhập thấp và trung bình, theo thông cáo của USAID ngày 7-12.
Nguồn: tuoitre.vn