Trước số ca nhiễm ngày càng tăng, nhiều nước châu Âu siết chặt quy định, hạn chế đối với người chưa tiêm ngừa. Một số nước châu Á cũng chứng kiến dịch leo thang. Mỹ ký hợp đồng 5,3 tỉ USD mua thuốc trị COVID-19.

COVID-19 thế giới ngày 19-11: Châu Âu siết quy định với người chưa tiêm ngừa - Ảnh 1.

Một quán cà phê đóng cửa ở Thessaloniki, Hy Lạp, ngày 16-11

Tình hình dịch bệnh tiếp tục báo động ở châu Âu, khu vực duy nhất trên thế giới có số người chết vì COVID-19 gia tăng.

Tại Hy Lạp, ngày 18-11, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis tuyên bố nước này sẽ áp thêm các biện pháp hạn chế với người chưa tiêm ngừa COVID-19. Theo đó, kể từ tuần sau, những người chưa tiêm ngừa sẽ không được vào các không gian trong nhà như nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng gym, thậm chí kể cả khi họ có xét nghiệm âm tính.

“Hãy tiêm ngừa, tiêm ngừa, tiêm ngừa”, ông Mitsotakis nhấn mạnh trên truyền hình, nói rằng đại dịch đang là của những người chưa tiêm ngừa. Ngoài ra, theo quy định mới của Hy Lạp, giấy chứng nhận tiêm ngừa chỉ có hiệu lực trong 6 tháng để khuyến khích người dân đi tiêm bổ sung.

Tỉ lệ tiêm ngừa đầy đủ ở Hy Lạp là 62%, thấp hơn trung bình ở các nước châu Âu khác. Nước này liên tục ghi nhận các ca bệnh mới trong ngày cao kỷ lục trong tháng qua, mới nhất là hơn 7.317 ca vào ngày 18-11.

COVID-19 thế giới ngày 19-11: Châu Âu siết quy định với người chưa tiêm ngừa - Ảnh 2.

Người dân ở Vienna, Áo, xếp hàng chờ tiêm ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm lưu động vào ngày 18-11 

Các nước châu Âu khác như Áo, Đức, Slovakia và CH Czech đều đã hạn chế người chưa tiêm ngừa ở những nơi công cộng do số ca nhiễm gia tăng khắp khu vực, theo Hãng tin Reuters.

Ngày 18-11, Slovakia cho biết chỉ những người đã tiêm ngừa trong vòng 6 tháng trở lại mới được vào các nhà hàng, trung tâm mua sắm, cửa hàng, hoạt động thể thao hay sự kiện công cộng. “Đây là biện pháp phong tỏa đối với người chưa tiêm”, Thủ tướng Eduard Heger thông báo về chính sách sẽ áp dụng từ tuần sau. Slovakia là nước có tỉ lệ tiêm ngừa thấp bậc nhất châu Âu, vào khoảng 45%.

Tại Áo, dù đã áp phong tỏa đối với người chưa tiêm ngừa từ đầu tuần này, số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng khiến nước này chịu áp lực tái phong tỏa toàn quốc. Nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng ở nước này đã dọa sẽ tự phong tỏa nếu chính phủ không hành động. Áo ghi nhận số ca bệnh kỷ lục 15.145 ca vào ngày 18-11. Tại Hungary, chính quyền bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm ngừa bổ sung và mọi người phải đeo khẩu trang ở những không gian trong nhà.

COVID-19 thế giới ngày 19-11: Châu Âu siết quy định với người chưa tiêm ngừa - Ảnh 3.

Một sự kiện khai mạc mùa lễ hội ở khu vực Cologne, Đức, vào ngày 11-11

Số ca bệnh mới tiếp tục ở mức cao tại nhiều nước. Chính quyền Đức cảnh báo viễn cảnh “Giáng sinh tồi tệ” sắp tới với hơn 65.371 ca mắc COVID-19 mới ngày 18-11, một kỷ lục mới. Quốc hội nước này đã nhất trí sửa đổi Luật phòng chống lây nhiễm, đặt ra yêu cầu 3-G (đã tiêm đủ, đã khỏi và đã xét nghiệm) ở nơi làm việc và trên các phương tiện giao thông công cộng. Số ca ở Anh cũng tăng, hơn 46.807 ca.

Tại Đông Nam Á, số ca bệnh mới của Campuchia tiếp tục đà giảm của những tuần qua với chỉ 54 ca ghi nhận vào ngày 18-11, theo Khmer Times. Chính quyền đã cho mở cửa lại các bảo tàng, rạp phim, nhà hát từ cuối tuần này. Tuy nhiên, nước láng giềng Lào ghi nhận hơn 1.401 ca bệnh mới, số ca trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc ghi nhận 3.292 ca mắc mới COVID-19 vào ngày 18-11, mức kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng hiện còn 506 ca, giảm 16 ca so với mức cao nhất (522 ca) trong ngày 17-11 vừa qua.

COVID-19 thế giới ngày 19-11: Châu Âu siết quy định với người chưa tiêm ngừa - Ảnh 4.

Một phòng tập gym với các vách ngăn ở Seoul, Hàn Quốc 

Ngày 18-11, Hãng dược Pfizer (Mỹ) thông báo đã ký thỏa thuận 5,29 tỉ USD với Chính phủ Mỹ để sản xuất đơn hàng 10 triệu liệu trình thuốc uống Paxlovid trị COVID-19, bắt đầu từ năm nay.

Theo Hãng tin Reuters, Paxlovid đang được đánh giá là “vũ khí” hứa hẹn nhằm chống lại đại dịch. Người bệnh có thể dùng loại thuốc này để điều trị tại nhà từ sớm, giúp tránh trường hợp phải nhập viện và nguy cơ tử vong.

Pfizer đã nộp đơn xin cấp phép cho Paxlovid lên chính quyền Mỹ từ ngày 16-11. Công ty dự tính sản xuất 180.000 liệu trình thuốc này cho đến cuối tháng 12-2021, và thêm ít nhất 50 triệu liệu trình khác tính đến cuối năm 2022.

Trước đó, Pfizer đã thông báo sẽ cho phép các nhà sản xuất thuốc generic cung cấp thuốc chống COVID-19 của hãng này cho 95 quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : châu ÂuCOVID-19đông nam áMỹtiêm ngừavắc xin

Các tin liên quan đến bài viết