Cùng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để có thể sớm mở cửa, cả Thái Lan và Campuchia đang gặp những thách thức lớn trong bối cảnh ca bệnh COVID-19 mới không ngừng gia tăng ở hai nước này.

COVID-19 ngăn Thái Lan, Campuchia mở cửa - Ảnh 1.

Người Thái Lan đợi tiêm vắc xin AstraZeneca ở một phòng gym bên trong trung tâm mua sắm Siam Paragon (Bangkok) vào tháng 6-2020

Ngày 27-6, Thái Lan phải công bố tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận để kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất của nước này, trong khi Campuchia ghi nhận thêm “điểm nóng” Siem Reap.

Bangkok phong tỏa?

Sáng ngày 27-6, quân đội và cảnh sát đã phong tỏa gần 600 khu lán trại của công nhân xây dựng ở thủ đô Thái Lan vì lo ngại các công nhân sẽ về quê và làm lây lan dịch bệnh.

Thái Lan có thêm 42 người tử vong và 3.995 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 26-6, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh ở Thái Lan lên 1.912 người và 144.447 ca nhiễm từ đầu dịch đến nay.

Thủ đô Thái Lan đang là tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ ba, với khoảng 1.000 ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày.

Hiện mới chỉ có 25% trong số 7 triệu dân số thủ đô đã được tiêm chủng. Trên cả nước, mới chỉ hơn 10% dân số được tiêm vắc xin, cách xa mục tiêu tiêm chủng 70% để tạo miễn dịch cộng đồng.

Không chỉ Bangkok, các tỉnh lân cận và 4 tỉnh phía nam là Pattani, Yala, Songkhla và Narathiwat cũng buộc phải đóng cửa trại công nhân trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 28-6, để hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Báo Bangkok Post cho biết quyết định của các nhà chức trách ảnh hưởng tới khoảng 80.000 công nhân, hầu hết là lao động nhập cư.

Từ khóa #BangkokLockdown (phong tỏa Bangkok), đang thịnh hành trên Twitter vào sáng ngày 27-6, phần lớn đến từ những cư dân mạng bất ngờ trước các biện pháp mới và quyết liệt của chính phủ.

Bên cạnh việc đóng cửa lán trại công nhân, kể từ 21h ngày 7-6, Thái Lan cũng cấm tụ tập trên 20 người và yêu cầu trung tâm mua sắm tại các khu vực nói trên phải đóng cửa.

Bộ Y tế đang lập các bệnh viện dã chiến ở khu vực ngoại ô để đối phó với số lượng bệnh nhân cần điều trị ngày càng gia tăng. Thứ trưởng Y tế Satit Pitutacha nhận định tình hình rất có thể sẽ tệ hơn trong thời gian tới do không đủ giường bệnh cho bệnh nhân ở Bangkok.

Tiến độ tiêm chủng chậm chạp hiện tại cũng là tin xấu đối với kế hoạch mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong vòng 120 ngày (dự kiến giữa tháng 10 năm nay) nhờ vào việc đẩy nhanh tiêm vắc xin của Thủ tướng Prayut.

Sáng 27-6, báo Bangkok Post đăng tải kết quả khảo sát của Viện Quốc gia về quản lý phát triển Thái Lan (NIDA) cho thấy đa số người dân không đồng ý với kế hoạch mở cửa trong 120 ngày của Thủ tướng.

Cuộc thăm dò của NIDA, được thực hiện trên 1.311 người, cho biết có tới 73,46% người không đồng ý với kế hoạch mở cửa của thủ tướng. Trong số này, có 53,55% hoàn toàn không đồng ý, nhấn mạnh không nên mạo hiểm tiếp nhận người nước ngoài trong khi chưa kiểm soát được dịch.

Điểm nóng Siem Reap

Campuchia, quốc gia láng giềng của Thái Lan, cũng đang thúc đẩy chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay và xa hơn nữa là đón khách du lịch vào tháng 12.

Theo báo Khmer Times, tính đến ngày 26-6, tỉ lệ tiêm chủng của Campuchia đạt 38,03% trong số 10 triệu người dự kiến được tiêm. Trong đó, có 2,8 triệu người đã tiêm đầy đủ 2 mũi.

Nhưng không dễ dàng cho Campuchia khi nước này phải đối diện với số ca bệnh nhập khẩu ngày càng tăng đến từ lao động nhập cư trở về từ Thái Lan, cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta và Beta.

Ngày 27-6, Campuchia ghi nhận hơn 800 ca bệnh mới (76 ca nhập khẩu) và 17 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 146 ca chỉ trong 7 ngày qua – tương đương với 20% tổng số ca tử vong vì COVID-19 cho tới nay.

Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn chưa có thông tin chi tiết về mối liên hệ giữa các ca tử vong và biến thể mới, bao gồm câu hỏi liệu biến thể Delta có lây lan vào Campuchia theo con đường nhập khẩu hay không.

Trong khi đó, các nhà chức trách đang bận đối phó với cụm dịch mới ở tỉnh Siem Reap – nơi có quần thể Angkor nổi tiếng thế giới. Chỉ trong ngày 25-6 đã phát hiện tới 99 ca mắc mới COVID-19, buộc chính quyền địa phương đóng cửa chợ truyền thống Leu Thom Thmey và xét nghiệm khoảng 400 người.

Chính quyền Siem Reap cũng đã gia hạn lệnh giới nghiêm từ 22h đến 4h hằng ngày, kéo dài đến ngày 10-7 và có thể hơn nữa nếu ca bệnh không giảm rõ rệt.

Úc, Indonesia, Malaysia vật vã vì Delta

Ngày 27-6, hàng triệu người dân ở Sydney (Úc) bước vào đợt phong tỏa mới kéo dài hai tuần để kiểm soát các ca nhiễm bệnh COVID-19 mới do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Số ca nhiễm liên quan đến một ổ dịch tại đây đã tăng lên 110 người. Người dân ở Sydney chỉ được ra ngoài khi cần thiết như đi chợ, đi làm, đi học, khám chữa bệnh và tập thể dục. Nhà hàng, quán bar, quán cà phê phải đóng cửa.

Trước đó một ngày, do quan ngại các ca COVID-19 mới xảy ra ở Úc, New Zealand thông báo ngừng miễn cách ly cho người đến từ Úc trong ba ngày kể từ 26-6.

Tại Malaysia, ngày 27-6 Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa đất nước áp dụng từ ngày 1-6 để kiềm chế sự lây lan mạnh mẽ hiện nay của COVID-19 do biến thể Delta, Hãng thông tấn Bernama đưa tin.

Lệnh phong tỏa sẽ kéo dài chừng nào số ca nhiễm COVID-19 trong ngày giảm xuống dưới 4.000 ca. Ngày 26-6, Malaysia ghi nhận 5.803 ca nhiễm mới.

Tương tự, tại Indonesia, biến thể Delta cũng làm số ca nhiễm COVID-19 mới công bố ngày 27-6 lập kỷ lục. Tính đến hết ngày 26-6, Indonesia có 21.095 ca. Hiện tổng số ca nhiễm của Indonesia từ đầu dịch đến nay hơn 2 triệu người, số ca tử vong là 56.729.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19kiểm soát dịch bênhlao động nhập cưtiêm Vắc xin

Các tin liên quan đến bài viết