Nhiều công ty của Trung Quốc như Hồng Thái Dương, Phú Quý… đặt cọc mua thanh long với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg nhưng đến nay các công ty này đều ngưng không mua, nếu mua cũng chỉ phá giá 5.000 đồng/kg.

Công ty Trung Quốc đặt 500 container thanh long 50.000 đồng/kg, nay hủy hoặc chỉ trả 5.000 đồng - Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới để thay thế cho thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn vì dịch virus corona 

Ông Phạm Văn Cảnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết như vậy tại hội nghị “Thúc đẩy đầu tư thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus corona” do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức chiều 3-2.

Theo ông Cảnh, hiện nay diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320.000 tấn.

Từ nay đến cuối tháng 2-2020, toàn Long An còn khoảng 30.000 tấn, trong đó 2.000 đang tồn kho và cuối tháng 2-2020 thu hoạch 28.000 tấn.

Về sơ sở chế biến, thu mua, tỉnh Long An có 154 cơ sở và 100 cơ sở có kho lạnh, trung bình 50 tấn/kho, tương đương sức chứa là 7.000 – 8.000 tấn.

Toàn tỉnh có 15 cơ sở bán trực tiếp thanh long sang Trung Quốc, còn lại gia công, chế biến cho các kho của người Trung Quốc. Có 6 cơ sở chế biến khô, 2 cơ sở chế biến nước trái cây.

Ông Cảnh cho biết thanh long của Long An chủ yếu là khách Trung Quốc (chiếm 75%) nên giá thanh long chủ yếu do các thương lái của Trung Quốc quyết định.

“Tuy nhiên, hợp đồng với nông dân không chắc chắn nên thường xảy ra rủi ro do bán qua thương lái.

Từ tháng 1 đến nay, có 2 công ty sức mua lớn là công ty Hồng Thái Dương mua 30-40% sản lượng, vừa qua công ty đặt cọc 300 container với giá mua 40.000-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay công ty này ngưng không mua, hứa hỗ trợ cho nông dân 4.000 đồng/kg.

Công ty thứ hai là Công ty Phú Quý hủy 200 container, nhưng phá giá mua 5.000 đồng/kg. Tương tự, một số công ty cũng đặt cọc giống như hai công ty trên rồi sau đó chỉ trả nông dân 5.000 đồng/kg” – ông Cảnh thông tin

Theo ông Cảnh, trước tình hình tiêu thụ khó khăn, bà con nông dân khi thanh long ra trái, gần chín mà giá thấp như vậy thì bà con cũng chặt bỏ, thiệt hại rất lớn.

Vừa rồi, tỉnh Long An đã đi qua Trung Quốc tìm hiểu, xúc tiến thanh long, tuy nhiên thấy tình hình khó khăn, do đó tỉnh Long An đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương hỗ trợ xuất khẩu thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho thanh long.

Đồng thời hỗ trợ xuất khẩu trái thanh long xuất khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối lớn trong nội địa. Hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, đồng thời mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát lại toàn bộ thời vụ thu hoạch, sản lượng, chủng loại các vùng, tới từng huyện, xã sản xuất các mặt hàng trái cây chủ lực (đặc biệt là thanh long) xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm sớm có giải pháp chủ động tiêu thụ.

“Bà con cần bình tĩnh, phối hợp với các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tránh tư thương ép giá, lợi dụng tình hình. Người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong làm ăn, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần phải có hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, tránh những rủi ro” – ông Toản nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : doanh nghiệpLong Anthanh longvirus Corona

Các tin liên quan đến bài viết