Các công ty cho vay tài chính (Fintech), công ty mua bán nợ thường gắn với hoạt động cầm đồ. Hoạt động cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Pháp luật quy định về cầm cố tài sản, tỉ lệ lãi suất ra sao?
Người dân xếp hàng trước tiệm vàng M.H. (có kinh doanh cầm đồ), quận Bình Thạnh, TP.HCM sau nhiều ngày đóng cửa
Gần đây nhiều công ty cho vay tài chính (Fintech), công ty mua bán nợ đang bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý về các vi phạm về lãi suất, thu hồi nợ, cầm đồ. Hoạt động cầm đồ của các công ty này theo quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải chịu sự quản lý của cơ quan công an. Pháp luật quy định về hoạt động cầm cố, tỉ lệ lãi suất ra sao?
Công an cấp huyện cấp phép hoạt động cầm đồ
Theo nghị định 96/2016/NĐ-CP thì công ty, cơ sở kinh doanh (gọi chung là cơ sở) cầm đồ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
Theo quy định, để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh thì phải có giấy phép đủ điều kiện về an ninh, trật tự do công an cấp huyện cấp phép. Như vậy, các công ty cho vay tài chính, mua bán nợ đáp ứng điều kiện về giấy phép như trên thì được hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Theo quy định, điều kiện về an ninh, trật tự thì người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh không thuộc trường hợp: bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 3 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian chấp hành hay tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của tòa án…
Đặc biệt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng thêm điều kiện là người đại diện cho cơ sở phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 5 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.
“Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ cơ sở kinh doanh cầm đồ, bảo đảm quản lý về nhân thân người đại diện của cơ sở, không vướng vào các hoạt động theo kiểu xã hội đen…”, một cán bộ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay.
Lãi suất không vượt quá quy định
Về tỉ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản thì không được vượt quá tỉ lệ lãi suất theo quy định Bộ luật dân sự.
Bên cạnh đó, hoạt động cầm cố tài sản của các cơ sở kinh doanh cầm đồ phải bảo đảm:
Khi nhận tài sản của người cầm cố, cơ sở cầm đồ phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố, photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh và lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật.
Đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu và cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản. Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.
Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.
“Các quy định trên bảo đảm để các cơ sở kinh doanh cầm đồ hoạt động lành mạnh, không sa vào tín dụng đen, không gây thiệt hại quyền, lợi ích hợp pháp của người cầm cố tài sản. Ngoài ra quá trình hoạt động thì các cơ sở kinh doanh cầm đồ còn phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan công an…”, vị cán bộ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội khẳng định.
Nguồn: tuoitre.vn