Trong ngày 21-6, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng công bố các khoản tiền lớn cho Ukraine. Trong đó, Mỹ viện trợ kinh tế, còn EU bổ sung quỹ dùng để mua vũ khí cho Ukraine.
Binh sĩ Ukraine sử dụng pháo Caesar của Pháp tại vùng Donetsk
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố 1,3 tỉ USD viện trợ kinh tế của Mỹ cho Ukraine, đồng thời tuyên bố Nga sẽ trả giá cho xung đột bằng kinh tế.
Mỹ viện trợ kinh tế
“Trong lúc Nga tiếp tục phá hoại, chúng tôi ở đây để giúp Ukraine xây dựng lại cuộc sống, đất nước và tương lai của họ”, Hãng tin AFP dẫn lời ông Blinken phát biểu ở London (Anh) ngày 21-6.
Ngoại trưởng Mỹ có bình luận đáng chú ý là Nga đang tàn phá Ukraine và cuối cùng sẽ chịu chi phí tái thiết quốc gia này.
Khoản viện trợ công bố ngày 21-6 xuất phát từ số tiền đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt. Trong đó, khoảng 657 triệu USD chi cho nâng cấp các tuyến đường sắt, cảng, cửa khẩu biên giới và cơ sở hạ tầng khác của Ukraine, qua đó giúp nước này mở rộng thương mại với châu Âu.
520 triệu USD sẽ giúp Ukraine đại tu mạng lưới năng lượng, vốn đã bị phá hủy khá nhiều sau các cuộc không kích của Nga.
Trong số tiền còn lại, 100 triệu USD dùng để nâng cấp dịch vụ hải quan của Ukraine, bao gồm thực hiện chuyển đổi số để cải thiện tính minh bạch trong hoạt động thương mại.
Ông Blinken nói rõ rằng Washington sẽ để mắt đến vấn đề tham nhũng và kêu gọi Quốc hội Ukraine thông qua luật chống độc quyền.
Ngoài ra, Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc củng cố các cơ quan chống tham nhũng, thúc đẩy xã hội dân sự và đẩy mạnh tự do báo chí.
EU bổ sung quỹ mua vũ khí
Ngày 21-6, EU nhất trí bổ sung 3,5 tỉ euro (3,8 tỉ USD) vào Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF), dùng để mua vũ khí cho Ukraine.
Thụy Điển, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, cho biết các nước thành viên đã bật đèn xanh bổ sung quỹ EPF sau một cuộc họp tại Brussels (Bỉ).
Theo Hãng tin AFP, 27 quốc gia EU đã đóng góp cho EPF khoảng 15 tỉ euro và chi tiêu khoảng 5,5 tỉ euro để vũ trang cho Ukraine.
Trong 5,5 tỉ euro nói trên, có 3,6 tỉ euro dùng để bồi hoàn cho các quốc gia thành viên EU về số vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine. Số tiền còn lại dành riêng cho chương trình cung cấp đạn dược cho Kiev.
Quỹ EPF thành lập vào năm 2021 để hỗ trợ các nước đối tác của EU trên toàn cầu. Một số quốc gia EU đã thúc đẩy việc nới rộng quỹ để đảm bảo có đủ tiền hỗ trợ quân đội ở các nước châu Phi và khu vực khác.
EU cũng đang huấn luyện hàng ngàn binh sĩ Ukraine. Hồi tháng 2, liên minh này tuyên bố sẽ huấn luyện khoảng 30.000 binh sĩ Ukraine vào cuối năm nay.
Nguồn: tuoitre.vn