Tối 5-9, Công an TP.HCM cảnh báo có nhiều đối tượng mạo danh các trang thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Theo Công an TP, hai hình thức phổ biến nhất hiện nay là lừa đảo qua chiêu trò đặt cọc và mạo danh sàn thương mại điện tử Shopee.
Với chiêu trò đặt cọc, các đối tượng xấu tham gia các nhóm Zalo, Facebook của các khu dân cư, các cộng đồng kinh doanh hàng hóa thiết yếu, chiêu dụ người mua bằng cách đăng tin bán các sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường và nhận ship đến địa chỉ của khách hàng.
Chúng không ngừng thúc giục, yêu cầu người mua phải chuyển khoản đặt cọc trước với lý do tránh tình trạng khách bùng hàng, cũng như đảm bảo giữ giá tốt nhất của đơn hàng đó.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các đối tượng cắt liên lạc, không giao hàng theo như thỏa thuận. Thậm chí, có người còn giả làm nhân viên dịch vụ giao hàng, gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng. Người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ, sợ chậm chân sẽ mất hàng nên vội vàng chuyển tiền, nhưng rồi đợi mòn mỏi mà không nhận được hàng.
Với chiêu trò mạo danh sàn Shopee, kẻ xấu tận dụng hệ thống nhắn tin trên Shopee để gửi tin nhắn đến người tiêu dùng với nội dung như: “Shopee xin chúc mừng tài khoản xxxx đã may mắn nhận được thẻ quà tặng tiền mặt trị giá xxx triệu đồng. Truy cập vào trang web www.mobilebanking-shopee.vn chọn đồng ý để xác nhận tài khoản nhận tiền”.
Sau khi nhấp vào đường link trang web trên, người dùng tiếp tục cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến bao gồm cả mã OTP. Lúc này, các đối tượng sẽ đăng nhập trực tiếp trên trang web chính thức của hệ thống ngân hàng nhằm chiếm quyền sử dụng tài khoản và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Công an TP.HCM ghi nhận một số trang web giả mạo Shopee như: https://taikhoan.nhanquatangshopee.com; www.xacnhangiaodich365.com; www.ketnoiidbank.com; www.lienketbankshopee.com.
Công an TP.HCM cảnh báo người dùng thận trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin, chương trình khuyến mãi trước khi nhấn vào đường link tham gia. Người dùng nên quan sát kỹ thiết kế của trang web có đầy đủ nội dung, thông tin như trang web chính thống hay không, cẩn trọng trước các yêu cầu điền thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân, số điện thoại, nhất là số OTP từ ngân hàng, để tránh bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản.
Nếu lỡ nhấp vào đường link nghi vấn, người dùng nên xóa ngay các lịch sử trên trang web để tránh bị lấy cắp thông tin, đồng thời liên hệ ngay cơ quan công an gần nhất và gọi điện đến hotline của ngân hàng nơi mở tài khoản khi phát hiện bị chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: tuoitre.vn