Công an tỉnh Thái Bình đang làm việc với hàng loạt đơn vị để làm rõ hoạt động đấu giá đất có liên quan đến băng nhóm Đường “Nhuệ”.
Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình Trần Hữu Hiệp cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang về làm việc với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở về hoạt động đấu giá đất có liên quan đến băng nhóm Đường “Nhuệ”.
Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm (người vừa bị khởi tố, bắt tạm giam tối qua – PV) khẳng định, quy trình tổ chức đấu giá được tiến hành công khai, minh bạch, không có chuyện “quân xanh quân đỏ” mà ai bỏ giá cao nhất sẽ là người trúng đấu giá.
Tuy nhiên, ông xác nhận, việc vợ chồng Nguyễn Thị Dương – Nguyễn Xuân Đường đưa đàn em, tay chân đến các cuộc đấu giá gây mất an ninh trật tự địa phương trở thành nỗi ám ảnh, lo ngại đối với chính quyền sở tại trong một thời gian dài.
“Trung tâm đấu giá đang tập hợp các hồ sơ liên quan tới các phiên đấu giá đất có sự tham gia của vợ chồng Dương – Đường để cung cấp thông tin tới Công an tỉnh” – ông Hiệp nói.
Khu đất giãn dân tại xã Đông Động (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) |
Lãnh đạo Sở Tư pháp cũng thông tin thêm, năm 2019, Nguyễn Thị Dương từng gây rối khi tham gia đấu giá đất tại huyện Vũ Thư, sau đó cùng nhiều đối tượng lên Sở chửi bới gây mất trật tự.
Vị này khẳng định, Dương quay video, livestream toàn bộ sự việc và đăng lên mạng, chính ông đã xem.
Một cán bộ làm việc trong lĩnh vực đấu giá xin giấu tên chia sẻ, chính ông và gia đình đã bị Đường “Nhuệ” trực tiếp hoặc cho đàn em đe dọa, bắt làm theo ý mình vào năm 2018. Khi đó, ông đã trình báo vụ việc tới Công an TP Thái Bình nhưng không nhận được câu trả lời.
“Đường Dương có tham gia đấu giá tại xã Vũ Ninh (huyện Kiến Xương), có kết quả thực tế nhưng hiện tại tôi chưa thể cung cấp số liệu vì đã bàn giao toàn bộ cho công an. Đường trả giá đấu gấp đôi, gấp 3 so với giá khởi điểm, trúng 3 – 4 lô (trong tổng số 46 lô) nhưng khoe trên Facebook là trúng hơn 30 lô” – người này nói.
Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đang thu thập hồ sơ từ Trung tâm phát triển quỹ đất của các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, TP Thái Bình… để phục vụ công tác điều tra.
Đây là các địa phương vợ chồng Đường – Dương từng tham gia mua hồ sơ đấu giá đất, đưa đàn em đến các phiên đấu giá với mục đích đe dọa, gây sức ép với những người tham gia đấu giá khác.
40 công an huyện bảo vệ 1 cuộc đấu giá
Ông Vũ Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng) cho hay, đưa đàn em, tay chân về các xã để “thị uy” trong các cuộc đấu giá đất là chiêu thức chính của vợ chồng Dương – Đường.
“Chúng tôi cũng nghe dư luận người dân nói về việc bị đe dọa, uy hiếp không cho đấu giá, để Đường – Dương loại bớt đối thủ” – ông Tuấn xác nhận.
Nguyễn Xuân Đường khoe trên facebook cá nhân sở hữu hàng trăm bìa đỏ |
Ông Tuấn xác nhận: “Tại xã Đông Các, năm 2017, Đường Dương đưa nhóm xăm trổ khoảng 7 người đi trên 2 ô tô về tận UBND xã. Chúng tôi ở trong phòng đấu giá không việc gì nhưng tư tưởng người dân và các đơn vị rất lo lắng”.
Lãnh đạo huyện Đông Hưng đã chỉ đạo Công an huyện tăng cường lực lượng về phối hợp bảo vệ các cuộc đấu giá. Từ đó trở đi, mỗi cuộc đấu giá có thêm hàng chục công an huyện về giữ an ninh cho các phiên đấu giá. Tại một cuộc đấu giá đất năm 2018 ở xã Đông Hợp, có đến 40 công an huyện về phối hợp.
Trước những bức xúc của dư luận, cũng năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh công tác đấu giá, yêu cầu người tham gia đấu giá phải nộp tiền mua đất trong thời hạn 1 tháng. Quá thời hạn trên sẽ hủy kết quả trúng đấu giá, sung công quỹ tiền đặt cọc lô đất trúng đấu giá…
Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đang mở rộng điều tra các hoạt động liên quan tới Đường “Nhuệ” |
Văn bản này nhằm loại bỏ những người đầu cơ, tham gia đấu nhiều lô với mục đích “bán lúa non” sang tay để ăn chênh lệch. Nếu không tìm được khách, họ sẽ chây ì, không nộp tiền mua đất cho nhà nước.
Bản thân vợ chồng Đường, sau khi trúng đấu giá 5/11 lô đất của xã Đông Hợp đã bán sang tay 4 lô, hưởng chênh lệch 200 triệu đồng.
Còn 1 lô ở vị trí xấu, Nguyễn Thị Dương bỏ, chấp nhận mất tiền cọc (25 triệu đồng). 2 năm sau, UBND huyện Đông Hưng cho phép xã tổ chức đấu giá lại lô đất này.
“Dương cho người về mua 6 hồ sơ tham gia đấu thầu, buộc người đấu giá phải ‘chung chi’ 60 triệu đồng để Dương hủy, không tham gia đấu giá” – một cán bộ địa chính xã Đông Hợp cho hay.
Tại xã Lô Giang, Nguyễn Thị Dương từng trúng 8/12 lô đấu giá tại dự án khu quy hoạch dân cư thôn Hoàng Nông, còn Nguyễn Xuân Đường trúng 20/24 lô trong một đợt đấu giá khác của xã.
Còn tại xã Đông Phương, Nguyễn Thị Dương trúng toàn bộ 20 khu đất đấu giá, với giá trúng chỉ cao hơn giá khởi điểm 9,9 triệu đồng.
Riêng tại huyện Kiến Xương, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường về tham gia đấu giá đất từ năm 2015. Một lãnh đạo Trung tâm quỹ đất của huyện xác nhận: “Có lẽ Kiến Xương là quê của Nguyễn Xuân Đường nên vợ chồng này ít gây ồn ào. Tuy nhiên, họ chỉ chọn những lô vị trí đẹp, lợi nhuận cao để mua, còn những vị trí xấu, nếu có trúng cũng tự bỏ vì không sang tay được”.
Nguồn: vietnamnet