Có tới 6 lý do để người ta đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, khẩu vị đầu tư vàng dường như đã “nhạt” dần và nhà đầu tư có xu hướng quan tâm tới đồng và bạch kim.
Trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến một “cơn sốt” về giá vàng. Trong đó, những yếu tố chính khiến giá vàng lên cao vào hồi năm ngoái, theo chuyên gia Bernard Lapointe – Giám đốc Phân tích – Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đó là đồng USD hạ giá, tình hình bất ổn do đại dịch Covid-19 và kỳ vọng Mỹ tăng lãi suất.
Tính trong giai đoạn từ 1/1/2020 đến hết năm, giá vàng tăng 24%. Tại một số thời điểm, vào tháng 8/2020, giá vàng đã tăng vọt lên hơn 2.000 USD/oz, mức cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên bước vào năm 2021, vàng đã dần mất đi sự lấp lánh và giá mặt hàng liên tục giảm mạnh. Vậy điều gì đang tác động tiêu cực đến giá vàng trong năm nay?
Ông Bernard Lapointe cho rằng, thực tế, nhiều tài liệu cho rằng lãi suất thực tăng không mang lại lợi ích cho vàng. Nhìn chung, lãi suất thực có mối tương quan nghịch với giá vàng.
Trong một bài báo có tiêu đề “Thế lưỡng nan vàng” của Claude Erb và Campbell Harvey, các tác giả đã tìm thấy mối tương quan âm 82% từ năm 1997 đến năm 2012 giữa giá vàng và lãi suất thực. Lý do đằng sau điều này đó là lãi suất cao hơn cho thấy chi phí cơ hội cao hơn khi nắm giữ các tài sản không trả lãi suất, như vàng và các kim loại quý khác.
Bên cạnh đó, lợi tức trái phiếu Mỹ đã tăng 83% (0,92% lên 1,67%) từ đầu năm đến nay. Và trong thời gian này, giá vàng đã giảm 8%. Trong khi đó, chỉ số USD (DXY) tăng 2%. Trong 5 năm qua, vàng và bạc đã vượt trội so với cả lợi suất của Mỹ và đồng USD. Thế nhưng, diễn biến này đã thay đổi đáng kể trong đầu năm nay.
Các quỹ có đòn bẩy tài chính lần đầu tiên chuyển sang mua ròng đồng USD kể từ tháng 7/2020.
Theo đó, các chất xúc tác hỗ trợ giá vàng năm 2020 đã đề cập ở trên nay đã hết hiệu lực.
“Sau gần ba tháng giao dịch vào năm 2021, khẩu vị đầu tư vàng dường như đã phai nhạt” – Bernard Lapointe nhìn nhận. Thay vào đó, các nhà đầu tư đang theo xu hướng “đổ tiền” vào những mặt hàng nổi trội khác như đồng, tăng 47% tính đến thời điểm hiện tại, bạch kim (tăng 20%) và palađi (tăng 33%).
“Hãy bỏ qua các tác động của quá trình khai thác vì điều này không ảnh hưởng đến giá cả. Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc và Ấn Độ như thế nào? Không thực sự đáng kể! Các biến đổi chính giải thích cho diễn biến của giá vàng là giá trị của đồng USD và lãi suất thực của Mỹ” – ông Bernard Lapointe nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, sẽ không có gì ngạc nhiên khi có quá nhiều bất đồng về diễn biến sắp tới của vàng. Sự bất đồng này phản ánh thực tế rằng có ít nhất 6 lập luận khác nhau đã được đưa ra để sở hữu vàng:
Một là, vàng sẽ là biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Thứ hai, vàng sẽ là biện pháp phòng ngừa rủi ro liên quan đến tiền tệ.
Thứ ba, vàng là giải pháp thay thế hấp dẫn cho các tài sản có lợi suất thấp.
Thứ tư, vàng là tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn.
Thứ năm, vàng nên được nắm giữ vì chúng ta đang quay trở lại thời kỳ tiêu chuẩn vàng trên thực tế.
Thứ sáu, vàng “thuộc sở hữu của cá nhân”.
Tóm lại, năm 2021 có thể là thách thức đối với đà tăng của giá vàng khi lãi suất thực của Mỹ đang tăng cao hơn và đồng USD dường như không bị bán tháo lớn trong bối cảnh đồng euro và đồng yen không có bất kỳ dấu hiệu tăng mạnh nào.
Nguồn: vietnamnet