Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, có lẽ chỉ nghe tên gọi thôi cũng đủ để hình dung về một việc làm chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả. Đến nay, mô hình này đã thực hiện tại 5 đồn biên phòng ở Bình Phước và được công nhận là một điển hình tiên tiến cấp tỉnh. Từ mô hình này, nhiều trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các đồn nhận nuôi dưỡng.
Những mảnh đời bất hạnh
Mới 6 tuổi có lẽ còn quá nhỏ để cậu bé Nguyễn Sang – con nuôi của Đồn biên phòng Bù Đốp hiểu và cảm nhận được những nỗi đau. Tìm hiểu về gia cảnh của Sang, chúng tôi mới thấu hiểu được những thiệt thòi của cậu bé. Cha Sang qua đời vì một tai nạn giao thông khi em mới hơn 1 tuổi. Nỗi đau chồng nỗi đau khi chỉ vài tháng sau khi cha qua đời, mẹ cũng bỏ 2 chị em Sang đi biệt. Cha không còn, mẹ cũng không, 2 chị em Sang về sống với người cô. Thế nhưng gia cảnh của cô cũng rất khó khăn. Cuộc sống của vợ chồng người cô dựa vào làm thuê với thu nhập bấp bênh nên dù khéo xoay xở đến mấy cũng không đủ nuôi cùng lúc 3 đứa con và 2 người cháu, đứa lớn nhất chỉ mới 9 tuổi.
Em Nguyễn Sang dần quen với những bữa cơm cùng “gia đình” mới tại Đồn biên phòng Bù Đốp
“Em thương các cháu lắm! Bây giờ mình vừa là cô vừa là cha mẹ nên trách nhiệm phải lo cho chúng. Gia cảnh em cũng rất khó khăn, chỉ ông xã em đi làm thôi. Em phải ở nhà trông coi trẻ. Cũng may được bộ đội Đồn biên phòng Bù Đốp giúp đỡ nhận nuôi cháu Sang nên giảm bớt một phần gánh nặng cho gia đình” – chị Nguyễn Thị Oanh, cô của Sang, nói trong nước mắt.
Trường hợp em Đặng Phi Long, học sinh Trường tiểu học Lộc Thiện, xã biên giới Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh dù có chút khác biệt so với hoàn cảnh của bé Nguyễn Sang, thế nhưng cả 2 đều có điểm chung là hoàn cảnh khó khăn, sớm thiếu đi tình cảm, sự chăm sóc của cha mẹ. Cha Long bỏ đi biệt tăm khi em vẫn còn trong bụng mẹ. Thế nhưng thời gian sống gần mẹ cũng thật ngắn ngủi. Lúc em mới hơn 1 tuổi, mẹ đi bước nữa, Long sống cùng bà ngoại nay đã 70 tuổi. Cuộc sống của 2 bà cháu cũng khó khăn trăm bề, mọi sinh hoạt đều dựa vào tiền thu mủ từ vài chục cây cao su quanh nhà. Không có cha mẹ bên đời, cuộc sống của đứa trẻ trở nên chênh vênh…
Thấu hiểu và cảm thương trước hoàn cảnh của em, tháng 9-2019, Đặng Phi Long được Đồn biên phòng Lộc Thiện nhận nuôi dưỡng theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Em cũng là trường hợp đầu tiên trong cả tỉnh được nhận nuôi dưỡng theo mô hình này, để từ đó nhân rộng ra nhiều đơn vị lực lượng Bộ đội biên phòng Bình Phước.
Con nuôi của đồn
Những ngày qua, không khí ở Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Bù Đốp đóng quân tại ấp 3, xã biên giới Thiện Hưng bỗng vui lạ thường, vì hằng ngày có thêm tiếng cười nói của trẻ. Đó là nhờ sự có mặt của cậu bé Sang mà đồn nhận nuôi từ đầu năm. Do vẫn chưa quen với môi trường sống mới nên đều đặn mỗi tuần vài lần, Sang lại được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Đốp đón về Đội vận động quần chúng.
Thấu hiểu hoàn cảnh của “đứa con nuôi” nên cán bộ, chiến sĩ trong đồn hết mực thương yêu, chăm lo từng miếng cơm, giấc ngủ. Các anh cũng tận tình dạy dỗ, hướng dẫn từng hành động, lời nói để cậu bé quen dần với môi trường mới. Ban đầu “chiến sĩ nhí” này có phần bỡ ngỡ nhưng rồi sự động viên, khích lệ của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng giúp Sang dần thích nghi. “Xuất phát từ hoàn cảnh của Sang nên đơn vị đã quán triệt với tất cả cán bộ, chiến sĩ phải thương yêu cháu như con ruột, chỉ dạy từng li, từng tý. Đặc biệt là về mặt tình cảm để bù đắp cho cháu” – Thiếu tá Nguyễn Bảy Kha, Chính trị viên Đồn biên phòng Bù Đốp chia sẻ.
Sang đang là học sinh lớp 1A Trường tiểu học Thiện Hưng B. Ngoài tình cảm của người cô và các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Đốp, trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt để bù đắp phần nào thiệt thòi cho Sang. Thầy Huỳnh Ngọc Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiện Hưng B cho biết: “Nguyễn Sang là học sinh hoàn cảnh đặc biệt. Trường đã miễn học phí cho em và chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm quan tâm giúp đỡ, liên lạc thường xuyên với gia đình. Trường cũng phối hợp với đồn biên phòng để tạo điều kiện cho Sang học tập tốt hơn”.
Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đến nay đã được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Phước tổ chức thực hiện tại 5 đồn biên phòng trên phạm vi tỉnh. Các cháu được nhận nuôi dưỡng đang dần thích nghi với môi trường mới, dần cảm nhận được tình yêu thương từ những người lính biên phòng. Mô hình không chỉ đơn thuần là nhận nuôi dưỡng hay giúp đỡ những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Ý nghĩa nhân văn cao cả là góp phần lan tỏa tình yêu thương con người. Ở biên cương nơi mà người lính biên phòng gọi là quê hương giờ đây lại có thêm những tình cảm yêu thương nồng hậu mới đang được vun đắp.
Theo Dân việt