Khi HĐXX tuyên tử hình Nguyễn Thanh Tuấn vì tội giết vợ hờ đầy man rợ, người mẹ gầy còm gào khóc. Bà không ngờ, đứa con mà bà nuôi lớn từ những đồng tiền công quét rác lại bị ma túy đá ‘điều khiển’ đến vậy.
Bị cáo Tuấn rời phòng xử án. Phía trước Tuấn là án tử hình cho hành vi giết người man rợ. Còn sau lưng, người mẹ gầy còm đang mong mỏi được nhìn thấy con nhiều lần nữa… Ảnh: Đình Vy
Thấy vợ hờ… hiện hình đầu lâu, răng nanh mọc dài
Ngày 12.11, vụ án bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn giết người được Tòa án nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử. Theo cáo trạng, bị cáo đối mặt án tử hình nhưng tại tòa, không thấy một người thân nào của Tuấn.
Hóa ra, bà N.T.H (55 tuổi, mẹ bị cáo Tuấn) không biết nên không đến dự phiên xử con mình. Hôm đó, chỉ có đại diện gia đình bị hại là bà ngoại chị Tiên, người mà Tuấn cũng gọi là bà ngoại. Khi thấy bà ngoại Tiên, Tuấn nhắn nhủ: “Nói với mẹ con làm đám giỗ con và vợ con cùng một ngày nghe ngoại”.
Bà H kể, sau hôm xử đó, bà mới nghe bà ngoại Tiên báo nên sáng 14.11, bà xin nghỉ việc để lên tòa nghe tuyên án.
Bà H (ngồi, bên trái) chờ đợi để nhìn thấy con ra xe về trại giam. Ảnh: Đình Vy
Theo cáo trạng, năm 2014, bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn (33 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) và chị Nguyễn Mai Thủy Tiên (20 tuổi) chung sống với nhau như vợ chồng. Đến tháng 6.2017, cả hai đến ở trọ tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Vào lúc 21h ngày 6.9.2017, Tuấn và Tiên dùng 200.000 đồng mua ma túy tổng hợp dạng đá về sử dụng. Đến 1h sáng 7.9.2017, Tuấn bị ảo giác ma túy nên nhìn thấy khuôn mặt Tiên hiện lên hình đầu lâu, răng nanh mọc dài nên đã dùng tua vít, búa, dao, kéo… tấn công liên tục vào đầu chị Tiên khiến nạn nhân tử vong.
Sau hai ngày xét xử và nghị án, ngày 14.11, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên tử hình bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn về tội giết người với tình tiết tăng nặng: Bị cáo chưa được xóa án tích (năm 2009, Tuấn bị phạt 2 năm 6 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy), bị cáo thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ và có tính chất côn đồ…
Bà H (người thứ hai, từ trái sang) mong từng khoảnh khắc được nhìn con mình. Ảnh: Đình Vy
Trong lúc HĐXX tuyên án, bà H và người nhà bị cáo bật dậy, gào khóc. Nghe án tử, bị cáo Tuấn không khóc, cũng không kêu oan. Nhưng nghe phía sau ồn ào, Tuấn quay xuống ngỡ ngàng thấy bà H, bật lên rồi quỵ xuống, Tuấn mếu, gọi: “Mẹ ơi!…”.
Khi Tuấn được đưa đi, rời phòng xử án, người mẹ gầy guộc chạy theo nhìn con cho đến khi khuất dạng…
Nhớ ngày quét rác, kiếm tiền nuôi con
Bà H vừa khóc vừa kể, Tuấn từng nghiện ma túy rồi được đưa đi cai nghiện 4 năm. Khi Tuấn trở về và học sửa xe, bà H mừng khôn xiết. Tuấn còn đi làm đủ thứ việc như phụ hồ, phụ dì của Tuấn quét rác kiếm tiền. Cả hai bên gia đình đều biết Tuấn và Tiên sống chung với nhau nhưng “đâu có ngờ nó tái nghiện”, bà H rớm nước mắt.
Bà khóc khi nhớ lại khoảng thời gian một mình gồng gánh nuôi ba đứa con. “Ổng (chồng bà H – PV) mất khi mấy đứa này mới mười mấy tuổi. Một mình cô nuôi ba đứa con tới bây giờ. Hồi đó đi quét rác, dọn vệ sinh phụ mấy đứa cháu, mỗi tháng kiếm 1 – 2 triệu đồng nuôi con”, bà H nghẹn giọng.
Với bản năng một người mẹ, bà H vẫn tin rằng có những tình tiết có thể níu kéo được tình người trong Tuấn. Bà nói: “Nó thấy ngoại (ngoại của Tiên – PV) nó nói ngoại ơi con không giết vợ con đâu ngoại, con thương nó lắm. Ngoại ơi, con không giết nó đâu”…
Bà H vừa kể vừa mếu, hiện tại bà đi dọn vệ sinh trong trường học mỗi tháng được trả lương 2,5 triệu đồng. Lâu lâu, bà lên thăm Tuấn và Tiên, ráng dành dụm được ít tiền là “cho hai đứa nó đóng tiền trọ”.
“Có lần, thằng Tuấn đưa tiền nói ‘con gửi cho bà ngoại 500 (ngàn đồng – PV), cho dì 500 (ngàn đồng – PV), cho mẹ triệu rưỡi”. Mình tính nó lo làm ăn tu tỉnh rồi. Chỉ cầu nó tự lo được cho nó chớ đâu có mong nó cho lại. Mà nó cũng ráng cầm tiền cho cô…”, bà H nói rồi còn giải thích thêm rằng, Tuấn cũng biết nghĩ cho người thân…
Khi nghe HĐXX công bố bị cáo có quyền kháng cáo, quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước để xin được ân xá…, bà H chạy khắp nơi hỏi công an (phụ trách dẫn giải phạm nhân – PV), hỏi thư ký tòa, hỏi những người trẻ đứng ở sân tòa… về thủ tục làm kháng cáo, gửi đơn xin ân xá.
Giữa sân tòa, người mẹ gầy còm đứng, ngồi không yên vì không biết khi nào con bà được dẫn giải ra xe. Bà muốn nhìn thấy con lần này và nhiều lần sau đó nữa. Ánh mắt bà sáng lên một chút hy vọng nhỏ nhoi khi kể với tôi về lần thăm nuôi Tuấn. Bà đã làm món thịt kho, món tép rang… mà con trai mình thích ăn để mang vào.
Các phiên tòa kết thúc, bị cáo được đưa ra xe để trở về trại giam. Bà H chạy qua chạy lại để chọn hướng nào nhìn rõ mặt con. Tuấn đi cùng nhiều bị cáo khác, bước vội lên xe. Người mẹ vẫy tay chưa dứt lời: “Tuấn ơi!” thì cánh cửa đã khép lại. Bà H mặt như mếu chạy tới hỏi đứa con đi cùng: “Có chụp hình được không?”. Câu trả lời khiến mắt bà sâu thẳm lại: “Đông quá, con chụp có được đâu!”.
Xe chở phạm nhân rời đi, bà H tất tả theo người nhà trở về. Bà nói về để đi chợ mua đồ ăn, nấu mấy món con bà thích để mai mang vào thăm Tuấn…