Chuyện con tự dưng ham chơi, học tập sa sút hẳn không phải lạ lẫm gì. Nhưng đối diện với thực tế, nhiều bậc cha mẹ bị sốc và thật chẳng biết xử lý sao cho mau lẹ, yên ổn cả nhà…
Con học sa sút, nhà xào xáo
Minh họa

Tôi vốn quan niệm trẻ con thì cứ để cho nó thư thả, chẳng nặng nề thành tích các kiểu, miễn sao con phát triển toàn diện là tốt rồi. Nên suốt bậc tiểu học tôi ít khi kèm cặp con, chỉ khi gần thi cử mới để mắt tới chút đỉnh. Bé Su nhà tôi mới lên lớp sáu “trường làng”, tức là đúng tuyến thì học, không bon chen đâu cả. May là con bé tuy không siêng năng lắm nhưng cũng sáng dạ, viết chậm nhưng chữ khá đẹp, cuối năm đều đạt thành tích hàng “top” trong lớp. Đi họp phụ huynh đầu năm về đã thấy cô giáo nhắc nhở: Bé Su lo ra, hay nói chuyện trong lớp. Tôi nghe xong… để đó, quên “báo cáo” lại với chồng. Đâu có gì quan trọng lắm, đúng không? Chưa hết học kỳ một thì nhận giấy mời “gặp gỡ” cô chủ nhiệm đột xuất, trao đổi về tình hình học tập của Su. Lần này chồng tôi đích thân đi dự…Mãi gần trưa mới thấy ba Su về, nhìn nét mặt là biết anh không vui rồi. Mới nhắc anh xuống ăn sáng vì quá muộn đã thấy chồng quát lên: No lắm rồi, khỏi cần! Tôi chưa kịp trách chồng có gì thì từ từ nói thì anh đã tiện chân đá cái ghế nhựa vô tường cái rầm. Tiếng động ấy khiến bé Su co rúm lại vì sợ hãi bên cái bàn học mà từ sáng đến giờ “biết thân biết phận”, con bé đã ngồi dính cả buổi ê a rồi…Tôi nhớ là mình lúc đó vừa tức chồng vô lý vừa giận con, quay qua quát to: Bày đặt viết viết làm gì nữa hở Su! Học dở và làm biếng như thế này thì nghỉ luôn đi cho rảnh nợ! Nhờ con mà nhà 
cửa ầm ĩ thế này đấy!Su bắt đầu mếu máo. Vẻ mặt khốn khổ ấy không làm ông ba bà mẹ nguôi cơn nóng. Lời lẽ, xưng hô bắt đầu thiếu kiểm soát. Chồng tôi vừa phang thêm cái gì đấy cho hả cơn phẫn nộ thì phải. Anh gào lên trong nỗi thất vọng của một người cha đã quá kỳ vọng vào chuyện học của con cái:- Tôi sẽ chuyển trường cho nó! Không ai được nói ra nói vào ngăn cản gì nữa hết! Đấy chỉ là cái mồi lửa cho những ngày ầm ĩ tiếp theo trong gia đình tôi.Các buổi tối bắt đầu chẳng còn không khí vui vẻ nữa, mà là nước mắt nước mũi tèm lem của đứa con gái đang ở tuổi chuẩn bị ham chơi và ương bướng đan xen với những lời la mắng của ba nó. Tôi mà lỡ xen vô một câu là như châm dầu, làm cơn nóng của chồng thêm bùng phát. Chồng tôi vốn thích con phải có thứ hạng sao cho “coi được” chứ không thể làng nhàng. Nên bây giờ đối mặt với thực tế Su lười các môn thuộc bài, thêm kiểu học bài qua loa quấy quá nên điểm số chỉ ở mức trung bình, 
khiến anh không chịu nổi…Tưởng khắc phục đơn giản, nhưng thật chẳng dễ dàng để con bé vừa nắm bắt kịp bài học hiện tại ở lớp vừa tranh thủ ôn lại các phần kiến thức bị thiếu hụt từ đầu năm. Ý thức tự giác của Su hầu như chẳng có. Vợ chồng tôi lại khá bận rộn để kèm sát con. Hễ cứ nói đến con là chúng tôi cãi nhau. Vài tháng qua tôi phải đi công tác liên miên nên giờ chồng xa gần trách tôi sao nhãng, không để mắt tới con. Tôi nhịn, không cãi lại nhưng bụng ấm ức. Nếu anh không quá ham “tiếp khách” bia rượu về trễ thường xuyên thì đã chẳng đến nỗi! Hễ dặn dò hay hỏi học bài chưa là Su “dạ” rất ngoan nên vợ chồng tôi từng chủ quan, tưởng yên tâm hết rồi, ai dè…Đề tài thường xuyên trong nhà tôi bây giờ là chuyện học của con. Làm sao đây? Chương trình ở đầu cấp hai rất khác, nhiều môn, mỗi môn một cô thầy riêng, giáo viên chủ nhiệm cũng không nhẹ nhàng, ngọt ngào cả nể như hồi học cấp một. Thuê gia sư ư, vô lý quá. Cấm con chơi điện thoại, máy tính bảng, cấm luôn coi tivi, đọc truyện, sinh nhật đàn đúm các loại. Tạm thời dẹp luôn môn bơi hay trượt patin. Vợ chồng tôi bắt đầu quay qua “canh” lẫn nhau xem ai bê trễ, không chịu về đúng lịch kèm con đã phân công. Nỗi mệt mỏi vất vả sau cả ngày dài nhiều áp lực ở chỗ làm, tối lại đối mặt với đứa con gái chậm chạp biếng học khiến tôi không ít lần buông câu cay nghiệt là thấy con người ta mà phát ham, con cái gì mà như gánh nặng cho cha mẹ. Nó… giống ai mà ham chơi lười học thế chẳng biết?!…Tới đây thì phức tạp hơn rồi. Vì câu nói đó mà vợ chồng tôi tiếp tục gây nhau. Chồng tự ái vì phía gia đình anh, mấy chị họ và cô của Su bỏ học đi làm từ sớm. Tôi thật không cố ý xúc phạm, nhưng cũng bâng quơ nghĩ ngợi. Nhà tôi mấy chị em đều biết lo chăm 
chỉ học hành…Chuyện con tự dưng ham chơi, học tập sa sút hẳn như bé Su nhà tôi thật không phải lạ lẫm gì. Vậy nhưng vẫn rối bòng bong lên, tự hỏi tại sao mình lại vướng vào tình huống tưởng chỉ có trong mấy gia đình cá biệt nào đó! Chứ con mình vốn ngoan hiền, siêng năng, dễ dạy kia mà! Đối diện với thực tế, chúng tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ khác bị sốc và thật chẳng biết xử lý sao cho mau lẹ, yên ổn cả nhà…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : học tập

Các tin liên quan đến bài viết