Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng BIDV sáng 28/6, con gái ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) sụt sùi khóc “đòi” tài sản.
Hôm nay (28/6), TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Là người thừa kế quyền và nghĩa vụ kháng cáo của mẹ, tại tòa, chị Trần Lan Phương cho biết, giữ nguyên nội dung kháng cáo của bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà).
Chị Phương không đồng tình với phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm khi quyết định tiếp tục kê biên 5 bất động sản đứng tên đồng sở hữu ông Trần Bắc Hà – bà Ngô Kim Lan và 2 bất động sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, đứng sở hữu bà Lan.
Chị Phương cho rằng, 2 bất động sản đứng tên cá nhân bà Lan là tài sản riêng của mẹ. Theo trình bày của chị, bất động sản tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM là do bà Lan được em gái tặng vào năm 2013.
Bị cáo Đinh Văn Dũng |
Còn bất động sản sản tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, bà Lan mua từ năm 2005.
“Mẹ tôi lo liệu tích góp để tạo lập được tài sản riêng. Ngoài ra, còn 5 tài sản khác cũng do mẹ tôi tự tạo lập ra”, lời chị Phương.
Vẫn theo trình bày của con gái ông Trần Bắc Hà, trước đây bà Lan làm kiểm toán. Ngoài các công việc ở cơ quan nhà nước, bà còn kinh doanh bất động sản.
Năm 2017, vợ chồng ông Trần Bắc Hà có thỏa thuận, bất động sản ở 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM là tài sản riêng của bà Lan.
Về số tiền 7 tỷ đồng trong tài khoản của bà Lan đang bị phong tỏa, chị Phương khẳng định, đó là tiền mà Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn chuyển vào tài khoản của mẹ. “Mẹ dặn dò, đây là tiền công ty”, lời chị Phương.
Sụt sùi khóc, chị Phương trình bày: “Thay mặt mẹ, tôi xin HĐXX được giữ lại 2 bất động sản là nơi chị em tôi sinh sống”.
Theo bản án sơ thẩm, Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) đã chỉ đạo các cá nhân tại Công ty Bình Hà chiếm đoạt tiền của BIDV, đồng thời dùng số tiền đó góp vốn vào Công ty Bình Hà, làm vốn đối ứng để BIDV tiếp tục giải ngân.
Hậu quả vụ án xảy ra có một phần lớn trách nhiệm của Tùng. Vì vậy, cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để trừ vào nghĩa vụ hoàn trả với BIDV.
Trước đó, chị Nguyễn Phương Uyên Bình có đơn đề nghị giải tỏa các tài khoản của Trần Duy Tùng.
Tuy nhiên, HĐXX cấp sơ thẩm xét thấy chị Bình và Trần Duy Tùng chỉ chung sống với nhau, không có đăng ký kết hôn, không phải là vợ chồng hợp pháp, do đó ý kiến như trên của chị Bình không được chấp nhận.
Sau phiên tòa sơ thẩm, chị Bình có đơn kháng cáo về số tiền hơn 5 tỷ đồng trong tài khoản của Tùng bị kê biên. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, chị Bình rút đơn kháng cáo.
Mong được khắc phục hậu quả
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) giữ nguyên kháng cáo kêu oan.
Bị cáo cho rằng, mình không chỉ đạo việc thu tiền bán bò và dù ngồi ghế tổng giám đốc nhưng không phải việc gì bị cáo cũng được quyết.
Kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng, Giám đốc Công ty Hà Nam) mong HĐXX cấp phúc thẩm cho họ có cơ hội khắc phục hậu quả, làm căn cứ được giảm nhẹ tội.
Bị cáo Dũng trình bày: “Cho bị cáo được khắc phục hậu quả nhưng khắc phục ngay một lúc thì khó”. Trong khi đó, bà Sơn hứa sẽ vay mượn, nhờ cậy anh em, các con để có tiền khắc phục dần.
Nguồn: vietnamnet