Hình thức mua hàng theo combo được các nhà bán lẻ triển khai trong hai tuần TP.HCM áp dụng giãn cách nhằm tối ưu hóa chương trình “đi chợ hộ”, tránh mất nhiều thời gian trong xử lý đơn hàng.
Tuy nhiên, dù mỗi gia đình chỉ được đi chợ hộ một lần/tuần nhưng với đơn hàng số lượng lớn và nhu cầu đa dạng, việc thiết kế các combo đáp ứng nhu cầu và giá bán hợp lý là điều không dễ dàng.
Cái cần không có, cái có lại không cần
Phân vân chọn gói combo thực phẩm do tổ dân phố gửi, chị Mai Hương (Tân Bình) thừa nhận không thể có nhiều lựa chọn trong mùa dịch nhưng có nhiều combo rất khó mua hàng. Cụ thể, tại khu vực của chị Hương, có hai loại combo hoặc lẫn rau và thịt hoặc phân theo nhóm hàng như combo rau củ, combo đạm, combo gia vị…
“Có gói combo kèm cả dầu ăn, nước tương…, những thứ nhà tôi trữ rất nhiều nhưng đành phải chọn nếu muốn mua được các loại rau mình cần. Giá cả cũng cao hơn…” – chị Hương cho biết.
Trong khi đó, người dân tại nhiều khu vực phản ảnh vẫn khó mua được thực phẩm dù đã đăng ký. Bà Chung (phường 26, Bình Thạnh) cho biết trong ngày 25-8 đăng ký mua nhiều loại thực phẩm nhưng chính quyền địa phương chỉ mua giúp được 2 bó rau. Cũng nhờ phường đặt mua 2 combo với giá gần 500.000 đồng nhưng bà Huỳnh Thị Thủy (phường An Phú Đông, quận 12) cho biết sau 2 ngày vẫn chưa nhận được hàng.
Theo một số người dân, nhiều siêu thị chủ yếu xây dựng các combo liên quan thực phẩm nhưng không có sản phẩm như tã, sữa và đồ dành riêng cho phụ nữ hay các sản phẩm đồ dùng vệ sinh nhà cửa, chất tẩy rửa… Những sản phẩm này cũng thiết yếu cho nhiều gia đình trong 2 tuần giãn cách. Một số người dân cho biết giá combo mua chung còn chênh lệch nhiều, có nơi bán giá khá cao.
Siêu thị gặp khó với nhân sự
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Nhã – giám đốc vận hành chuỗi Grove Fresh – cho biết khi thiết kế các combo, nhà bán lẻ cân nhắc đến yếu tố mức khả năng chi trả, dinh dưỡng cho người dân và lượng hàng đủ dùng trong một tuần. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng này, các combo chia theo nhóm hàng được người dân ưa thích hơn.
“Chúng tôi chia theo khẩu phần và những người có nhu cầu có thể mua các combo khác nhau, theo dạng hộp thực phẩm hoặc giỏ hàng” – ông Nhã cho biết.
Trong khi đó, nhiều siêu thị cũng cho biết đang gặp khó trong cung ứng thực phẩm. Bà Bùi Thị Giáng Thu – giám đốc siêu thị Co.opmart Chu Văn An (Bình Thạnh) – cho biết trong ngày 25-8 nhận được hơn 1.000 đơn hàng nhưng chỉ giao được khoảng 50% do nhân sự không đủ, nhiều nhân viên không thể qua được chốt vì giấy đi đường chưa được cấp mới.
Tương tự, đại diện một siêu thị tại Bình Thạnh cho biết chỉ giải quyết 100-200 đơn mua chung và 50 đơn online cá nhân mỗi ngày do thiếu nhân sự. Ngoài ra khi siêu thị giới thiệu các combo, nhiều phường muốn đổi sang các loại hàng giá rẻ hơn dù các món hàng không thực sự phù hợp. Một số khác than khó bảo quản nên không khuyến khích hàng tươi sống.
Đa dạng combo thực phẩm
Đại diện AEON Việt Nam cho biết siêu thị này giới thiệu 4 combo tổng hợp thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô, hai combo thịt, 4 combo rau; ngoài ra còn có combo trái cây, combo bánh mì… Các combo của siêu thị này dao động 130.000 – 500.000 đồng.
Ngoài 12 combo mua chung, hệ thống Saigon Co.op còn giới thiệu hơn 60 sản phẩm riêng lẻ. Ngoài ra cũng khuyến khích từng siêu thị thiết kế thêm combo riêng, phù hợp với nhu cầu của người dân và đặc thù điểm bán. “Các combo được bán ở mức giá bình ổn, thậm chí dưới giá nhập để hỗ trợ người dân, với giá tối thiểu từ 100.000 đồng/combo”, đại diện hệ thống này cho biết.
Trong khi đó, VinMart/VinMart+ giới thiệu 9 combo có giá bình ổn như ngày thường, thấp nhất là 150.000 đồng/combo. Tại Big C Trường Chinh (Tân Phú) có đến 32 combo khác nhau với giá bán 80.000 – 400.000 đồng/combo tùy loại. Trong đó có 20 combo rau củ, 6 combo thực phẩm, 2 combo sữa và 4 combo hóa mỹ phẩm.
Giá bán combo chênh lệch
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-8, đại diện Phòng kinh tế quận 11 (TP.HCM) cho biết không chỉ nhập hàng từ siêu thị, địa phương này cũng chủ động xây dựng nguồn cung từ các tiểu thương, điểm bán khác để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu thực phẩm của người dân trên địa bàn. Các combo rau củ có giá 100.000 – 200.000 đồng, combo thịt và cá 150.000 – 300.000 đồng… Riêng ngày 25-8, trị giá các đơn hàng quận nhận được hơn 700 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa – phó Phòng kinh tế quận Phú Nhuận, do giá đầu vào mỗi nơi mỗi khác nên giá combo bán ra chênh lệnh là khó tránh khỏi. “Những đầu mối nhập hàng tốn thêm các chi phí phát sinh nên giá combo bán ra có thể cao hơn. Tuy nhiên, quận sẽ cố gắng xây dựng giá bán bình ổn bằng cách đa dạng thêm nguồn cung, các phường tự chủ động kết nối thêm” – bà Hòa nói.
Nguồn: tuoitre.vn