Giá vàng tăng mạnh đã và đang khiến nhiều người xót ruột, đặc biệt với người “ôm vàng non tay” bán tháo trước đó, hoặc có tiền không ôm vàng mà gửi tiết kiệm, chơi chứng khoán, buôn đất.
Thông thường, như mọi năm giá vàng không có biến động mạnh, chỉ dao động từ vài trăm nghìn, đến khoảng 1-2 triệu đồng/lượng/năm, nên hầu hết người dân không có thói quen tích trữ tiền để đầu cơ vàng.
Giá vàng tăng mạnh, khiến nhiều người bán vàng trước đó hoặc chuyển kênh đầu tư khác cảm thấy cực kỳ nuối tiếc
Đơn cử, năm 2017-2018, giá vàng từ đầu năm đến cuối năm chỉ dao động từ 36 đến hơn 37 triệu đồng/lượng, người có tiền ôm vàng năm 2017 coi như không gia tăng giá trị.
Năm 2018 giá vàng cũng chưa có thời điểm nào vượt ngưỡng 38 triệu đồng/lượng. Tính ra, nếu đầu tư vàng thời điểm năm 2018 lướt sóng, coi như mỗi lượng nhà đầu tư chỉ lãi 1 triệu đồng, con số thấp hơn nhiều so với tiền gửi ngân hàng các năm 2017 và 2018, nếu kỳ hạn trên 12 tháng, mức lãi suất đều trên 7%/năm.
Bắt đầu từ năm 2019, giá vàng có biến động thực sự, giá vàng có thời điểm vào tháng 8/2019 đạt ngưỡng 43 triệu đồng/lượng. Đây được xem là mức cao nhất trong năm 2019, năm mà kinh tế thế giới chứng kiến nhiều thay đổi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, đến bất ổn ở Trung Đông gia tăng.
Sang năm 2020, từ đầu năm giá vàng đã rục rịch tăng mạnh, cụ thể trong tháng 2/2020, giá vàng đã đạt ngưỡng 43,7 – 44 triệu đồng/lượng, đến tháng 7 và tháng 6 và tháng 7/2020, thị trường vàng thế giới chứng kiến nhiều phiên tăng giá mạnh, có thời điểm lên đến 58 triệu đồng/bán ra.
Mức giá tăng từ đầu năm đến nay từ mức 44 triệu đồng đến 57 hoặc 58 triệu đồng/lượng, mức tăng từ 13 đến 14 triệu đồng/lượng. Đây được xem là mức tăng đột biến trong những năm trở lại đây và giá vàng liên tiếp vượt các mốc cũ trong những năm trước đây.
Theo chị Võ Thị Thu Thủy, giá vàng tăng mạnh, khiến nhiều người có tiền chỉ than thân trách phận không đầu tư vàng từ đầu năm.
Giá vàng từ đầu năm đến nay đã tăng từ 1,3 đến 1,4 triệu đồng/chỉ, tương ứng khoảng 13-14 triệu đồng/lượng
“Nhiều người quan niệm là có tiền mặt là vua nhưng hiện nay có thể sẽ khác bởi tiền gửi ngân hàng lãi suất huy động thấp, trong khi đó đổ vốn vào kinh doanh đang khá mạo hiểm bởi tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng, trong khi nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng tiết kiệm chi tiêu”, chị Thủy cho biết.
Theo bà Vũ Kim Xuân, năm 2020 làm thay đổi hẳn quan niệm của người dân vào tài sản. Cuối năm 2019, thấy đầu tư vàng không hiệu quả để lướt sóng, bà và một vài người bạn đã bán vài chục cây vàng để gửi tiết kiệm với lãi suất dành cho khách hàng VIP lên đến 8,2%/năm.
“Mức lãi suất số tiền 1 tỷ đồng từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, nếu bỏ số đó ra ôm vàng, từ đầu năm đến nay đã lãi ngót 300 triệu đồng rồi, nhìn thấy số tiền hàng trăm triệu mất đi cũng thấy tiếc. Nếu để vàng lại, sau 3 năm, có thể số tiền lãi đầu tư vàng đã lên đến ngót nửa tỷ rồi”, bà Xuân tỏ ý tiếc nuối.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính – ngân hàng, đầu tư vàng luôn tiềm ẩn rủi ro song người dân vẫn có cách lựa chọn riêng. Thường các khoản đầu tư vào gửi tiết kiệm, chứng khoán sẽ nhìn thấy được túi tiền gia tăng hoặc giảm đi, có thể định lượng được. Đối với đầu tư vàng, bất động sản, rất khó để định lượng, người mua vàng thường đầu tư theo định tính, thói quen.
“Nếu nói đầu tư vàng lãi cao trong năm 2020 thì đúng, nhưng sẽ là sai nếu nói trong trường hợp năm 2017- 2018. Nếu bạn có tiền tỷ gửi ngân hàng những năm 2017-2018 với mức lãi suất cho khách hàng lớn từ 7% trở lên, số tiền gần chục triệu đồng thu về hàng tháng sẽ tốt hơn là số tiền tỷ bỏ ra ôm vàng vào nhưng cuối năm không gia tăng được đồng nào cả”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, quan niệm đầu tư vàng dài hạn sẽ ăn lãi cũng chưa hẳn đúng bởi vì nhiều giai đoạn, giá vàng đứng yên hoặc chỉ nhích nhẹ, trong đó có 2 năm 2017-2018. Nếu nhà đầu tư kiên trì để vàng từ năm 2017 đến năm 2020 mới có lãi đậm.
Tuy nhiên, ông này cho rằng triết lý của người có tiền là luôn phải để luồng tiền xoay vòng, tiền mẹ đẻ tiền con. Chính vì vậy, rất ít người giàu đổ tiền tỷ ôm vàng mấy năm mà chủ yếu người dân, có ít tiền tích cóp mua vài chỉ hoặc vài lượng để cất trữ phòng ốm đau.
Theo Dân Trí