Các nhà hoạt động giáo dục nói rằng giáo dục Việt Nam chưa đến mức khủng hoảng, nhưng đã có sự khủng hoảng niềm tin. Dù có truyền thống thông minh hiếu học nhưng cũng đã đến lúc phải thay đổi.
Đã có “khủng hoảng niềm tin”?
Tại hội thảo Giáo dục Việt Nam và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục tại Hoa Kỳ, tổ chức sáng 21/11 tại TP.HCM, ông Huỳnh Thế Du, Trường chính sách công và quản lý Fulbright, cho hay giáo dục đang có nhiều vấn đề dù chưa tới mức khủng hoảng như: Mấy năm trước, phụ huynh đạp cổng trường thực nghiệm nhưng vừa qua lại chỉ trích không thương tiếc chương trình của GS Hồ Ngọc Đại; Gian lận thi tốt nghiệp THPT để đỗ đại học, nhưng tốt nghiệp đại học lại thất nghiệp…
Các diễn gỉa tranh luận về “khủng hoảng giáo dục” |
Theo ông Du, khi tìm kiếm cụm từ “khủng hoảng giáo dục” có hơn 600 triệu kết quả, nếu gõ tìm kiếm cùng với tên quốc gia thì Mỹ có hơn 500 triệu kết quả, Nhật Bản hơn 300 triệu, Anh hơn 100 triệu, Việt Nam 9,2 triệu kết quả.
“Điều này cho thấy “khủng hoảng giáo dục” ở Việt Nam là có nhưng chưa lớn. Rõ ràng giáo dục đang có nhiều vấn đề, nhưng chúng ta cũng phải tin rằng có thể làm cho nó tốt hơn” – ông Du nhấn mạnh.
Ông Du đưa ra các con số như số năm đến trường (chỉ số phát triển con người) của học sinh Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới, ngân sách chi cho giáo dục ở mức cao so với thế giới, chỉ số phát triển vốn con người của Việt Nam tương đương Trung Quốc, chỉ số đổi mới sáng tạo xếp 45/200 quốc gia..
“Như vậy, có thể thấy Việt Nam nằm trong nhóm cực tốt về giáo dục. Chỉ có tỉ lệ sinh viên đại học của Việt Nam dưới mức trung bình thế giới” – ông Du cho hay.
Trong khi đó, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Chương, cho rằng ít nhất đã có sự khủng hoảng về lòng tin giáo dục. Theo ông Chương, việc khủng hoảng này được thể hiện ở chỗ nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay như đang “đẽo cày giữa đường”. Đặc biệt, khi một vấn đề của giáo dục được đưa ra, điều trước tiên nhận lại là “bị ném đá”. Có nhiều vấn đề của giáo dục nhưng lại do xã hội quyết định.
Còn GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, tiết lộ điều ông trăn trở nhất sau những năm tham gia hoạch định chính sách giáo dục chính là câu nói “trên đe dưới búa“. Cụ thể, khi đưa ra một chính sách mới sẽ chịu áp lực từ các văn bản, chị thị từ trên, còn dưới thì dư luận xã hội không thuận.
Ông Trần Ngọc Châu, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Mỹ, đề xuất để biết có dấu hiệu khủng hoảng giáo dục hay không, Chính phủ phải làm một cuộc điều tra xã hội học. Cuộc điều tra này cần tiến hành nghiêm túc, khoa học, tin cậy và phải công khai dữ liệu dù có tệ hại tới đâu.
“Sợ làm hại bệnh nhân, tôi ráng học thêm trước rồi kiếm tiền sau”
Tại hội thảo, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó Chủ nhiệm ủy ban đối ngoại của Quốc hội, kể rằng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng phàn nàn “Việt Nam có học sinh đạt giải Olympic, thậm chí có thủ khoa các trường trên thế giới, giáo dục Việt Nam đâu có đến nỗi sao cứ bị chê”. Khi đó,bà đã phản biện rằng do học sinh Việt Nam quá thông minh, sáng tạo, chịu khó, vì vậy những thành tựu của sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài là có hệ thống chứ không phải nhờ hệ thống giáo dục trong nước.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó Chủ nhiệm ủy ban đối ngoại của Quốc hội, |
GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận rằng giáo dục Việt Nam hiện nay có vấn đề, nhưng sẽ có cách để tốt hơn. Theo ông, một trong hai nguyên nhân của kết quả trên là do người người Việt Nam thông minh, hiếu học.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch GIBC, đồng ý là người Việt Nam có tinh thần hiếu học, thông minh. Thế nhưng đã đến lúc cần phải thay đổi.
GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đưa quan điểm các kỹ năng học thuật có thể thay đổi nhưng đạo đức con người thì mãi trường tồn, nên học để thực hành đạo đức làm người mới là thực học.
“Tôi sợ là làm hại bệnh nhân nên ráng học thêm trước rồi kiếm tiền sau. Vì vậy, giáo dục bây giờ phải làm sao để người học nhân ra điều này, để mỗi người biết không làm ảnh hưởng tới người khác” – GS Phượng đúc kết.
Nguồn: vietnamnet