Làm công việc mà người ta thường hay bảo là việc của cánh đàn ông, sống một cuộc sống độc thân nhưng lúc nào cô Loan cũng tươi cười và lạc quan. Cô bảo: Mình làm gì cũng được miễn là đừng làm những việc phải hổ thẹn với lương tâm.
– Hello you! Motorbike you?
– Hi! Where you go? Motorbike?
Vừa nói cô Loan vừa đưa tay ra hiệu lái xe để phụ hoạ cho những câu chào hỏi bằng tiếng bồi của mình, cô tươi cười dẫu mỗi vị khách đi qua đều lắc đầu từ chối. “Mùa này mưa gió, ế lắm con ơi!” – cô vẫn cười hề hề mà nghe thấy thương.
Từ bà chủ sạp quần áo đến nữ tài xế xe ôm ở phố Tây
Cô Loan – người được dân ở Bùi Viện ưu ái gọi với biệt danh nữ xe ôm độc nhất ở phố Tây đã có gần 7 năm thâm niên trong nghề đưa đón khách. Nhiều khi nghĩ cũng ngộ đàn bà con gái ai cũng sợ nắng sợ đen, vậy mà cô Loan bám trụ cái nghề nằm từng ấy năm, rồi thương luôn cái nghề không muốn bỏ.
Cô cười bảo: “Nghề có cực nhưng tự do, không bị gò bó, vậy là thích rồi. Với lại cuộc đời không ai biết trước mình sẽ đi đâu làm gì, và đôi khi là không có lựa chọn”.
Hồi con gái cô Loan nghỉ học sớm rồi bắt đầu với công việc buôn bán ở chợ. Buôn bán được một thời gian cũng dành dụm được một ít vốn liếng, thế là cô hùn với người bạn thân mở một shop bán đồ ở Sài Gòn Square.
Công việc kinh doanh suôn sẻ, những tưởng sẽ có được một cuộc sống tốt hơn, thế nhưng đột nhiên cô Loan và người bạn thân hiểu lầm nhau khiến việc kinh doanh đổ bể. “Cô trắng tay luôn, mất hết mọi vốn liếng dành dụm mấy năm qua, mất luôn người bạn thân và cả tình yêu, lúc đó cô đã nghĩ đến việc chết quách đi cho rồi. Nhưng may sao lý trí vẫn còn vững nên không làm liều. Sau đó ông anh của cô mới dẫn ra đây để chạy xe ôm, từ đó cô bắt đầu cái duyên với công việc này” – cô Loan chỉ vào chiếc xe máy bảo rằng cái xe này gắn bó với cô 17 năm rồi, từ hồi còn đi buôn bán, đến bây giờ như một người bạn.
Ban đầu khách đều từ chối lời mời của cô Loan, vì họ không đủ tin tưởng để trao sự an toàn của bản thân vào một nữ tài xế. Dần dần có một vài khách đi, cảm nhận được sự cẩn thận và chân thật của cô nên trở thành mối quen.
Cô kể có ông khách cứ mỗi năm lại sang Việt Nam làm việc một lần, mỗi dịp như vậy ông lại mướn một chiếc xe máy chạy riêng, rồi thuê cô Loan chạy đi cùng để hướng dẫn. Tuy vốn ngoại ngữ còn hạn chế, nhưng cô Loan luôn cố gắng giới thiệu cho du khách về những nét đẹp của thành phố.
“Mấy Phen (friends) của cô tụi nó khoái lắm! Mỗi lần có việc đi đâu là ra đầu hẻm gọi cô chở đi. Mình vui vẻ, không lừa lọc gì nên tụi nó quý! Chứ có nhiều ông xe ôm thấy người nước ngoài không biết đường nên chở đi vòng vòng để lấy tiền, mang tiếng lắm!” cô tâm sự.
Đời mà, tới đâu hay tới đó!
Hai năm trước trong một lần sơ ý, cô Loan bị té từ trên gác xuống đất khiến chấn thương nặng phải điều trị 2 tháng trời không đi đứng được. May mắn có bạn bè mỗi người một ít phụ giúp cô vượt qua những ngày tháng khốn khó. Vết thương lành được một chút cô lại ra phố để làm việc, vì nếu nằm ở nhà thì tiền đâu mà sống.
Cô kể: “Chạy xe phải chạy thiệt cẩn thận, qua mấy cái gờ phải chạy chậm lại chứ không là đau lắm! Nhưng công việc mà phải cố gắng. Ba mẹ thì mất rồi, các anh cũng có gia đình riêng, nhiều khi cảm thấy cô đơn một mình, rồi tủi thân. Đi làm về lủi thủi coi ti vi cho hết ngày rồi đi ngủ“.
“Cô Loan vui tính, dễ mến vậy mà chẳng lẽ không có ai để ý?” – tôi tò mò. Cô cười: “Cũng có mấy người thích nhưng chắc cô già rồi, nên khó hay sao đó. Hồi con gái cũng có nhiều anh theo đó, mà cô chỉ thương có 3 lần. Mà hông lần nào thành hết, nên cô thôi luôn tới giờ. Chắc duyên chưa tới“.
“Nhưng người phụ nữ nào cũng ước một lần mặc áo cưới mà phải không cô?” – tôi hỏi. Cô nghĩ một hồi rồi nói: “Cô cũng luôn ước điều đó, nhưng không phải lúc nào hôn nhân cũng đem lại cho mình hạnh phúc. Cũng có nhiều người phụ nữ cưới chồng về bị chồng bạo hành, bị chồng ghẻ lạnh, rồi chồng có bồ nhí… vậy nhiều khi độc thân lại vui hơn, có phải không?“. Tôi gật gù: “Dạ phải“.
Độc thân nhưng cô Loan luôn cố gắng tìm được niềm vui trong công việc, trong việc giao tiếp với các “phen” của mình, trò chuyện với mấy cô bán hàng trong phố, hay chơi đùa với những con thú. Cô hào hứng kể: “Bữa trước có con chim bồ câu bay vào kế nhà cô, ông hàng xóm biểu cô đem về nuôi, thấy nó dễ cưng nên cô đem về. Nhưng cô thấy tội quá, bắt nó vào lồng tù túng, nên cô thả nó đi. Cô bị ông anh chửi hoài à, ổng nói: mày bốn mươi mấy tuổi đầu rồi mà cứ như đứa con nít“.
Cô Loan thiệt thà, suy nghĩ đơn giản, có sao nói vậy thành ra cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn, ít tâm tư hơn. Kệ đi, đời mà tới đâu hay tới đó. Tôi nhớ cô đã từng nói vậy khi được hỏi về những tháng ngày về sau, khi sức khoẻ không còn mạnh để chạy xe mỗi ngày. Thôi thì tính toán chi xa xôi rồi nặng đầu. Mình vui, thì đời vui.
Theo Kenh14