Dù chưa hoàn thành toàn bộ dự án, hiện nay 30% số huyện ở Việt Nam đã hoàn thành xong bản đồ địa chính, đã đo đạc, số hóa được. Như vậy, từng bộ phận của Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đã được đưa vào sử dụng.

Từ tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục 6 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia cần ưu tiên tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm: CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số, CSDL quốc gia về tài chính, CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Đến nay, theo Bộ TT&TT, trong 6 CSDL quốc gia trên, đã có 5 hệ thống được hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác. Cùng với 3 CSDL chuyên ngành có tính toàn quốc, 5 CSDL quốc gia cũng kết nối qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (nền tảng NDXP) để dữ liệu được chia sẻ, khai thác một cách hiệu quả. Đặc biệt, với các cơ sở dữ liệu đã kết nối qua nền tảng NDXP, không có chuyện cát cứ thông tin, dữ liệu.

Mô hình kết nối thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 

Hiện chỉ còn CSDL đất đai quốc gia chưa hoàn thành theo như kế hoạch ban đầu đề ra. Thông tin từ Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho hay, thời gian qua, dự án “Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai” (dự án VILG) đã tiếp tục được triển khai, với khối lượng xây dựng CSDL sau điều chỉnh là 250 huyện thuộc 30 tỉnh, thành; trong đó xây dựng mới CSDL là 160 huyện và chuyển đổi CSDL là 90 huyện.

Việc hoàn thiện hệ thống CSDL quốc gia về đất đai được nhận định là vấn đề hết sức cấp thiết.

Tại phiên chất vấn mới đây của các ĐBQH về nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực TT&TT, vấn đề chậm trễ trong triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đã được đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nên ra.

Vị đại biểu này cho hay, trong hệ thống CSDL quốc gia, CSDL đất đai là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Sắp tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến sửa đổi Luật Đất đai với hàng loạt các chính sách quan trọng. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống CSDL quốc gia về đất đai là hết sức cấp thiết nhưng hiện thực tế triển khai còn rất chậm. “Đâu là trách nhiệm của Bộ TT&TT? Và khi nào CSDL đất đai quốc gia được hoàn thiện, có khả năng kết nối, chia sẻ đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương?”, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành TT&TT.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 6 CSDL quốc gia, hiện còn CSDL đất đai chưa hoàn thành và cũng là CSDL khó khăn nhất, đặc biệt là vấn đề thu thập dữ liệu đất đai đến từng hộ gia đình, đến từng mét vuông và thực hiện số hóa.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, còn có những khó khăn trong quan điểm về xây dựng CSDL tập trung hay phân tán, tập trung mức nào, phân tán mức nào, địa phương hay trung ương.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hỗ trợ được 45 tỉnh xây dựng CSDL đất đai 

Dù chưa hoàn thành toàn bộ dự án, hiện nay 30% số huyện ở Việt Nam đã hoàn thành xong bản đồ địa chính, đã đo đạc, số hóa được. Đến cuối năm 2022, khoảng trên 20% số huyện ở Việt Nam sẽ hoàn thành 4 hạng mục cơ bản của CSDL quốc gia và đưa vào sử dụng được, tức là từng bộ phận đã được đưa vào sử dụng.

Đề cập đến trách nhiệm của Bộ TT&TT đối với CSDL đất đai quốc gia, người đứng đầu ngành TT&TT cho hay, trước hết là việc đánh giá kỹ thuật, công nghệ và an toàn thông tin của hệ thống đã được Bộ làm xong. Hơn thế, Bộ TT&TT cũng đã đánh giá và khuyến nghị cho Bộ TN&MT sử dụng nền tảng số Việt Nam, dùng công nghệ Việt Nam để xây dựng CSDL đất đai.

Song song đó, Bộ TT&TT đã cùng Bộ TN&MT đôn đốc thực hiện, tháo gỡ các khó khăn trong triển khai CSDL quốc gia đất đai. “Bộ TT&TT đã thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hỗ trợ được 45 tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Sau khi các doanh nghiệp này vào cuộc, bỏ chi phí hỗ trợ thì tốc độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương đã được đẩy rất mạnh”, đại diện Bộ TT&TT cho biết thêm.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chuyển đổi số quốc gia

Các tin liên quan đến bài viết