Thời gian gần đây, trong dư luận xã hội và trên các trang mạng có nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên công khai thu nhập hoặc tiền lương của người lao động và các chức danh quản lý trong các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoạt động tự chủ?
Về vấn đề này, người viết bài có ý kiến như sau: Việc công khai thu nhập của các chức danh giám đốc, tổng giám đốc đã được quy định rất rõ trong Nghị định số 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-8-2017. Cụ thể, tại Điều 31 của nghị định có quy định như sau: Tiền lương của giám đốc (tổng giám đốc) và người quản lý khác phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên. Theo quy định tại Khoản 18, Điều 4 của Luật Doanh nghiệp hiện hành, thì người quản lý doanh nghiệp bao gồm: Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định.
Công nhân Công ty INFAC VINA (Khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc) trong giờ làm việc – Ảnh: H.C
Cũng theo quy định tại Nghị định số 71/2017/NĐ-CP, ngoài việc công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng, công ty đại chúng còn phải công khai tiền lương của giám đốc (tổng giám đốc) và người quản lý khác của công ty đại chúng, thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Như vậy, với những đối tượng đã nêu thì việc công khai thu nhập từ tiền lương và các khoản phụ cấp khác là việc làm đương nhiên. Bởi đây là quy định bắt buộc của Chính phủ. Theo đó, mục đích của việc công khai này là Nhà nước cần sự minh bạch trong công tác quản lý doanh nghiệp, qua đó phòng, chống tham nhũng, đồng thời tạo ra động lực quản lý doanh nghiệp hiệu quả. Vì thế, các trường hợp đã nêu là không cần bàn cãi thêm, vì đó là quy định pháp luật.
Trong thực tế, việc công khai tiền lương là một vấn đề khá nhạy cảm mà ở mỗi doanh nghiệp, đơn vị hay nói chính xác hơn là mỗi chủ doanh nghiệp có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Cụ thể, có doanh nghiệp đưa ra quy định cấm nhân viên tiết lộ hay bàn tán về mức lương của mình hoặc của người cùng làm trong công ty. Để hạn chế việc bàn tán dẫn đến so bì trong người lao động, đã có không ít doanh nghiệp trả lương cho người lao động bằng một bao thư đã dán kín. Lẽ dĩ nhiên là trong đó có bảng kê về các khoản mà người lao động được hưởng. Nếu ai không đồng ý thì có thể đưa bảng kê này đến phòng tài vụ của công ty để khiếu nại. Có những doanh nghiệp ở phía dưới của bảng kê còn có câu: Thông tin về thu nhập là bí mật cá nhân. Ngày nay, dịch vụ thẻ tín dụng ra đời đã đem lại nhiều tiện ích cho nhà quản lý doanh nghiệp nên họ không còn phải mất chi phí trong việc thống kê rồi sao in bảng kê thu nhập hằng tháng của công nhân, mà bộ phận tài vụ chỉ việc hằng tháng chuyển lương vào tài khoản là xong, đồng thời cũng giữ được “bí mật” về thu nhập của người lao động.
Thậm chí có chủ doanh nghiệp còn đưa ra ý kiến rằng: Việc giữ bí mật về tiền lương giúp đội ngũ nhân viên của họ tránh được sự tỵ nạnh bởi các nhân viên khác. Mà sự tỵ nạnh, so bì, ghen tỵ… là mẹ đẻ của sự đố kỵ, hiềm khích, cuối cùng là làm rạn nứt tình cảm đồng nghiệp và hợp tác sẽ không còn hiệu quả. Chưa hết, những chủ doanh nghiệp có cùng quan điểm này còn cho rằng, việc giữ bí mật thu nhập của nhân viên còn tránh được sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các nhân viên, vì người biết mình được trả lương thấp hơn có thể sẽ không còn muốn cố gắng hết sức và đùn đẩy việc sang người được trả lương cao hơn.
Đó là quan điểm của những nhà quản lý khép kín, còn theo người viết bài thì thu nhập của cá nhân không có gì là bí mật đời tư, mà cần được công khai, minh bạch. Một là tránh khiếu nại rắc rối vừa mất thời gian vừa không khuyến khích, động viên được tinh thần của người lao động. Bởi công khai thu nhập sẽ dẫn đến sự cạnh tranh để phát triển công ty. Một khi nhân viên hiểu được phải làm gì và làm như thế nào để đạt được thành tích cao nhất, nói đúng hơn là làm sao có được mức lương cao hơn, họ sẽ có động lực để phấn đấu nhiều hơn và từ đó gắn bó bền lâu với doanh nghiệp.
Nguồn Báo Bình Phước