Có nhiều cái nhìn khác nhau về phần thi bikini nói riêng cũng như các cuộc thi sắc đẹp nói chung. Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến trái chiều từ dư luận.
Trong khi cuộc thi Hoa hậu Mỹ từ năm 2019 sẽ bỏ phần thi bikini, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tuyên bố không bỏ.
Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) lại cho biết sẽ lấy ý kiến về việc có nên thay thế phần thi bikini thành trang phục thể thao hay không.
* Nhà văn NGUYỄN QUỲNH TRANG:
Thoải mái cởi ắt dễ dãi với ái dục
Nhiều biến tướng tiêu cực đã xảy ra với các cuộc thi hoa hậu khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến việc thí sinh thoải mái với việc cởi và phô diễn thân thể thì những thứ liên quan đến ái dục cũng sẽ dễ dàng.
Việc “gạ tình”, “quấy rối”, “mua bán” ngay trong các cuộc thi hoa hậu ở nước ta đã có và từng bị tố cáo.
Ngoài ra, cũng chính vì đề cao vẻ đẹp hình thể qua các phần thi áo tắm mà sự chú trọng đến phẩm cách, tài năng, trí tuệ người dự thi bị giảm nhẹ.
Từ đó, số lượng lớn người đã nghĩ về các cuộc thi hoa hậu (tổ chức ngày càng nhiều) như một cuộc tuyển chọn phụ nữ đẹp có mục đích thương mại, chứ không đơn thuần là chọn lựa một phụ nữ tiêu biểu về trí tuệ, đức hạnh, đầy đủ các năng lực phẩm chất tích cực với ngoại hình đẹp để đảm bảo đúng danh nghĩa “hoa hậu”.
Việc bỏ màn thi áo tắm đồng nghĩa với việc đề cao nhân phẩm của người phụ nữ trong các cuộc thi hoa hậu là điều nên làm.
* Diễn viên THU QUỲNH:
Bỏ phần thi áo tắm là đáng tiếc
Tôi từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Mặc dù với cô gái 19-20 tuổi là tôi khi ấy rất ngại ngùng với phần thi này nhưng nếu thi hoa hậu mà bỏ phần thi áo tắm thì tôi thấy hơi tiếc.
Cá nhân tôi rất thích được ngắm nhìn vẻ gợi cảm của những người phụ nữ đẹp với tất cả sự trân trọng trước cái đẹp ấy.
Ngay với tư cách là một khán giả thì với mỗi cuộc thi sắc đẹp, ngoài các phần thi trang phục dạ hội, trang phục dân tộc thì phần thi trang phục áo tắm luôn là phần thi được mong đợi của tôi.
Còn với một số than phiền hở hang, khêu gợi trong các màn trình diễn áo tắm thì theo tôi có thể khắc phục bằng cách ban tổ chức lựa chọn trang phục không quá mỏng manh là ổn.
* Bạn trẻ ĐẶNG TRẦN QUÂN (Hà Nội):
Có nên bỏ luôn các cuộc thi hoa hậu?
Tôi thấy những lùm xùm hay chỉ trích liên quan đến hoa hậu Việt Nam chưa bao giờ nằm ở phần thi trình diễn bikini mà nằm ở chuyện mua giải, quấy rối, hay những phần thi ứng xử “hài hước” của các thí sinh.
Bởi hoa hậu xét cho cùng thì phải đòi hỏi có tỉ lệ vàng của cơ thể, mà cái này thì thi bikini là rõ nhất.
Các cuộc thi hoa hậu thì quan trọng nhất vẫn khán giả, có bao nhiêu người xem, bao nhiêu người tương tác với nó. Mà những số đo nhân trắc học thì chẳng mấy có ý nghĩa với khán giả, họ cần những thứ trực quan hơn, và phần thi bikini giải quyết được vấn đề đó.
Thi hoa hậu không phải là cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp của trí tuệ và nhân cách. Cho nên chuyện đáng bàn không phải là bỏ phần thi bikini hay không mà là thi hoa hậu có còn phù hợp nữa hay không, có nên bỏ luôn các cuộc thi hoa hậu?
Một năm ở Việt Nam có tới 10-15 cô hoa hậu được đẩy ra, đến độ mà một khán giả bình thường sẽ không thể nhớ nổi các cô hoa hậu được vinh danh ngay trong năm.
Thi hoa hậu bây giờ không đóng vai trò gì nhiều ngoại trừ việc giới thiệu cho công chúng một gương mặt đại diện mới cho các nhãn hàng, một gương mặt làm quảng cáo.
Thi hoa hậu bây giờ không đóng vai trò gì nhiều ngoại trừ việc đẩy ra cho công chúng một gương mặt đại diện mới cho các nhãn hàng, một gương mặt làm quảng cáo
ĐẶNG TRẦN QUÂN
* Bác sĩ NGÔ ĐỨC HÙNG (tác giả cuốn Để yên cho bác sĩ hiền):
Nói diễn bikini hạ thấp phụ nữ là nâng cao quan điểm
Đã là các cuộc thi nhan sắc thì trước tiên phải cho người ta thấy vẻ đẹp có thể nhìn bằng mắt thường, sau đấy mới là vẻ đẹp của trí tuệ, tâm hồn – những thứ khó nhìn thấy hơn.
Tôi thấy không có lý do gì để phải bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi hoa hậu. Đơn giản là các cô ấy đẹp các cô ấy có quyền khoe.
Nói bỏ thi bikini để tập trung vào đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ qua tài năng, tâm hồn tôi không thấy thuyết phục.
Thi hoa hậu chứ có phải thi phụ nữ tài năng đâu.
Còn lý lẽ của mấy nhà hoạt động xã hội rằng các phần thi bikini là biến phụ nữ thành món hàng hay hạ thấp nhân phẩm phụ nữ tôi cho là họ đang nâng cao quan điểm một cách thái quá, suy diễn.
* Nhà phê bình PHẠM XUÂN NGUYÊN:
Thi áo tắm chỉ để mát mắt người xem
Lấy lý do thi áo tắm là cần thiết để ban giám khảo chấm hình thể của các thí sinh là không đúng. Nó thực chất chỉ là màn trình diễn để mát mắt người xem mà thôi.
Cái đẹp hình thể là cái đẹp trời cho, nằm ngoài ý chí của con người, nên nó không phải là cái cần thi thố lắm. Chỉ đầu óc, tâm hồn là của con người, những thứ mà con người phải rèn giũa để có được, đó mới là thứ nên thi thố.
Đó là chưa nói đến vấn đề nữ quyền trong màn thi áo tắm.
Các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam có thể tùy từng tính chất cụ thể của các cuộc thi mà quyết định bỏ thi áo tắm hay không, nhưng ít nhất cũng nên cập nhật xu thế thời đại.
* LÊ PHẠM NGỌC MINH (Hà Nội, chuyên viên nhà đấu giá PI Auction House):
Tôn trọng phụ nữ dù họ mặc trang phục gì
Tôi hoàn toàn không thấy có vấn đề gì với phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp. Tôi rất thích xem phần thi này ở các cuộc thi sắc đẹp thế giới. Tôi nghĩ rằng một xã hội tôn trọng phụ nữ thì dù phụ nữ mặc trang phục gì, miễn là phù hợp với bối cảnh cũng nên được tôn trọng.
Nhưng các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam hiện nay có quá nhiều vấn đề. Quá nhiều cuộc thi nhan sắc “vườn” và chúng còn nhạt hơn cả mấy game show trên truyền hình.
Những cuộc thi này chẳng giúp tìm kiếm được một người phụ nữ đại diện cho nhan sắc và trí tuệ của phụ nữ Việt. Những gì còn đọng lại sau khá nhiều cuộc thi nhan sắc chỉ là những nghi vấn bán – mua giải hoặc những chiêu trò của ban tổ chức.
Tôi nghĩ phải tổ chức các cuộc thi hoa hậu theo một cách khác, chuyên nghiệp hơn, chứ không chỉ bàn chuyện thi bikini hay không. Còn nếu không thể nâng cao chất lượng các cuộc thi hoa hậu mà để chúng bê bết như hiện nay thì nên bỏ luôn.
Nguồn: tuoitre.vn