Một tổng thống Trump điềm tĩnh và thể hiện sự cảm thông là điều người Mỹ chưa bao giờ bắt gặp trước đây. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy một ông Trump rất khác thường ngày.
“Sẽ không có phong tỏa ở New York”. Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter cá nhân ngày
29-3, chỉ vài tiếng sau khi ông tiết lộ ngay trên sóng truyền hình trực tiếp rằng đang cân nhắc phong tỏa New York và một số bang gần đó.
Các chuyên gia kinh tế đã lập tức gọi ý tưởng phong tỏa New York của ông Trump là không khả thi và cảnh báo nó có thể gây ra sự hỗn loạn tại một khu vực chiếm 10% dân số Mỹ và 12% GDP của đất nước.
Những chỉ trích dường như đã có tác động, ông Trump từ bỏ ý tưởng ban đầu và thay vào đó yêu cầu siết chặt việc đi lại giữa New York và các bang lân cận.
Đây đã là lần thứ ba Tổng thống Trump rút lại những gì đã tuyên bố – điều ông rất hiếm khi làm kể từ khi nhậm chức.
Người Mỹ đang nhận được sự an ủi, niềm hi vọng từ chính vị tổng thống của họ.
Judd Deere người phát ngôn Nhà Trắng)
Điều chỉnh cảm xúc
Thẳng thắn mà nói ông Trump vẫn giữ được tính khí thường thấy trên Twitter của ông: nói chuyện theo kiểu ra lệnh áp đặt, bạt mạng và luôn thiếu dẫn chứng.
Nhưng trên sóng truyền hình, trước gần một nửa nước Mỹ đang bị nhốt trong nhà, ông đã thể hiện hình ảnh một tổng thống biết lắng nghe, thấu hiểu và an ủi người khác.
“Đây không phải là cảm xúc lúc đầu của ông ấy”, một nguồn thạo tin của Hãng tin Reuters tiết lộ. Các cố vấn của ông Trump đã phải can thiệp khi tổng thống vẫn giữ tính khí thường ngày trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào giai đoạn khó trăm bề vì đại dịch COVID-19.
Trong hơn 3 năm qua, Tổng thống Trump cho thấy ông là người không bao giờ trốn tránh một cuộc cãi vã, nhất là với những người chỉ trích mình và đặc biệt là không bao giờ xin lỗi hay rút lại những gì đã tuyên bố công khai.
Nhưng ông đã từ bỏ những điều này, không chỉ một mà đến hai, ba lần sau khi được các cố vấn hết lòng khuyên nhủ rằng trong thời khắc hiện tại “hãy cố gắng nói điều gì đó tình cảm, chân thành và gắn kết mọi người”.
Lần thứ nhất là khi ông đối đầu với một nhà báo đã hỏi ông có điều gì muốn nhắn gửi đến những người Mỹ đang hoang mang vì virus corona. Ông Trump khi đó đã nổi nóng ngay dù đây là cuộc họp báo truyền trực tiếp và gọi người này là “một nhà báo tồi”, chỉ biết đặt những câu hỏi “nghe mắc ói tới nơi”.
Ngày hôm sau, Tổng thống Trump lập tức đổi giọng, an ủi hàng triệu người đang bị hạn chế tự do cá nhân, tuy mọi người đang hi sinh vì cái chung, đây cũng là lúc họ có thể dành thời gian thực sự cho những người yêu thương.
Lần thứ hai thì nổi tiếng và ồn ào hơn khi ông Trump gọi virus corona mới là “virus Trung Quốc”, dẫn tới một cuộc khẩu chiến giữa Bắc Kinh và Washington. Tổng thống Trump đã bảo vệ phát ngôn của mình vài ngày sau đó và chỉ chịu rút lui khi một cố vấn nói rằng đừng tự tạo cơ hội để truyền thông công kích trong lúc này.
Khi được hỏi liệu có hối hận về phát ngôn này hay không, vị lãnh đạo của Mỹ nói “không” đầy dứt khoát nhưng cho biết sẽ không nhắc lại cụm từ này thêm một lần nào nữa và khẳng định không hề có ý làm tổn thương cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Lấy điểm cho tranh cử
Các cuộc họp báo hằng ngày của ông Trump và nhóm chuyên trách chống dịch COVID-19 đã trở thành một buổi vận động tranh cử “mini” của đương kim tổng thống Mỹ.
Hãng thông tấn AFP mô tả trong lúc đại dịch – với lệnh cấm tụ tập đông người – đã trói chân đối thủ Joe Biden, ông Trump vẫn thoải mái tranh thủ sự ủng hộ và ghi thêm điểm bằng màn trình diễn vào 17h mỗi ngày ở Nhà Trắng. Trung bình có khoảng 8 triệu người theo dõi cuộc họp báo của Nhà Trắng, đôi khi có thể lên hơn 12 triệu người.
“Chắc tôi khoái căn phòng này luôn rồi”, ông Trump không giấu giếm sự hài lòng trước truyền thông. Trong cuộc họp báo thường kéo dài gần 90 phút đó, Tổng thống Trump nói đến tất cả mọi thứ, từ chính sách đối ngoại đến thành tích cá nhân, phương tiện truyền thông “dối trá” và đôi khi là “ý kiến y học” của ông.
Tất cả những gì thường xuất hiện trong các cuộc vận động tranh cử của “ứng viên” Trump đều đã được thể hiện ở Nhà Trắng, chỉ trừ tiếng cổ vũ của đám đông.
Một số đài truyền hình của Mỹ dường như đã “ngửi” thấy mùi bất thường từ sự lạc đề của ông Trump và quyết định cắt sóng cuộc họp báo này sau vài ngày trực tiếp toàn bộ.
“Nếu ông ấy cứ tiếp tục nói dối như thế trong lúc dầu sôi lửa bỏng như vầy, tất cả nhà đài nên tẩy chay cuộc họp báo đó ngay lập tức” – bà Rachel Maddow, người dẫn chương trình của Đài MSNBC và là một người thường xuyên đối đầu ông Trump, kêu gọi đồng nghiệp qua Twitter.
Nhưng có rất nhiều người lại muốn thấy ông Trump xuất hiện trên sóng truyền hình. Đôi khi đơn giản như một liệu pháp trấn an tinh thần.
Nguồn: tuoitre.vn