Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2021 (COP26) có sự góp mặt của khoảng 130 nhà lãnh đạo của các quốc gia.

Cơ hội cuối cùng cứu Trái đất - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu khai mạc hội nghị COP26 

“Nếu COP26 thất bại, nền văn minh sẽ sụp đổ như đế chế La Mã” – Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.

Trong suốt thời gian trước khi diễn ra COP26 tại Glasgow, ông Johnson rất tích cực vận động hành lang, thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo và dư luận quốc tế bởi ông cho rằng đây là “cơ hội cuối cùng để cứu Trái đất”.

Thủ tướng Anh cảnh báo nếu không kiểm soát được mức gia tăng nhiệt độ, nhân loại sẽ phải đối mặt với những vấn đề không thể kiểm soát như thiên tai ngày càng khủng khiếp, dịch bệnh, nước biển dâng, sa mạc hóa, tranh giành nguồn nước, các cuộc di dân khổng lồ…

Ngày 26-10, Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã công bố bản báo cáo thường niên về phát thải khí nhà kính, cho thấy đến năm 2030 các nước chỉ có thể đạt mức giảm lượng khí thải 7,5%. Trong khi để hạn chế tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2oC, cần giảm 30% lượng khí phát thải; còn muốn giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5oC vào cuối thế kỷ thì 55% lượng khí phát thải phải được cắt giảm.

Vậy “chìa khóa” để “cứu Trái đất” nằm trong tay ai? Tất cả các quốc gia đều phải có trách nhiệm, nhưng phụ thuộc chủ yếu vào cam kết của các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời cũng đang xả thải phần lớn lượng khí carbon vào môi trường, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

COP26 có sự góp mặt của khoảng 130 nhà lãnh đạo của các quốc gia. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến, ông sẽ cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen đồng chủ trì sự kiện công bố cam kết giảm phát thải metan toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình không hiện diện trực tiếp tại COP26 nhưng dự kiến sẽ có thông điệp từ Trung Quốc.

Các quốc gia sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới không chỉ có trách nhiệm giảm sâu lượng khí carbon phát thải mà còn có nghĩa vụ hàng đầu trong việc tài trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển (Thủ tướng Boris Johnson mong muốn huy động 100 tỉ USD/năm cho hoạt động này). Đây được coi là cách “trả nợ” cho “mẹ Trái đất” bởi trong quá trình phát triển công nghiệp họ đã lạm hưởng từ thiên nhiên quá nhiều.

Glasgow, nơi diễn ra COP26 với khoảng 30.000 người tham dự, là một câu chuyện về quyết tâm làm xanh môi trường sống. Thành phố lớn nhất xứ Scotland và lớn thứ 3 của nước Anh trong quá khứ từng là trung tâm đóng tàu lớn nhất thế giới, nơi trung chuyển thuốc lá, phát triển công nghiệp dệt, than, thép và sản xuất vũ khí. Nhưng ngày nay họ đã chuyển đổi và đạt được danh hiệu “thành phố xanh toàn cầu”, đặt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2045.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mang theo cam kết rất lớn của Việt Nam đến COP26  Trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Anh, Thủ tướng kể rằng ông từng tranh luận với chủ tịch COP về chủ đề giảm phát thải và chuyển đổi các nguồn năng lượng ở Việt Nam. Chúng ta là một đất nước phải trải qua chiến tranh, trong quá trình khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước thì phải phát triển các nguồn năng lượng, trong đó có điện than, vì vậy khi chuyển đổi sang các nguồn năng lượng mới phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Giải quyết công ăn việc làm mới cho 100.000 lao động khai thác than cũng là vấn đề rất khó.

“Nhưng không vì khó khăn mà Việt Nam không cam kết với quốc tế, đó là lộ trình hướng tới năm 2050 đưa lượng phát thải về 0” – Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COP26CP26 là gìmội trườngThủ tướng Phạm Minh ChínhTrái Đất

Các tin liên quan đến bài viết