Năm 2021 ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn trụ vững và tăng trưởng. Trò chuyện với Tuổi Trẻ về định hướng lớn trong năm mới 2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói:

Có giúp nông dân, nông nghiệp mới thay đổi - Ảnh 1.

Sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty Hoàng Anh Gia Lai 

– Trong năm 2021, bối cảnh đại dịch COVID-19, nông nghiệp một lần nữa được xem là “trụ đỡ” khi nền kinh tế rơi vào khó khăn. Tăng trưởng toàn ngành đạt 2,8%; đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 47,5 tỉ USD, vượt xa chỉ tiêu 42,5 tỉ USD.

Thực tế lâu nay nông nghiệp Việt Nam sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tư duy ngắn hạn là “lời nguyền” về sự yếu kém của nền nông nghiệp. Phải tổ chức lại sản xuất để vượt qua “lời nguyền” đó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Không thể làm theo cách cũ

* Mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân đã từng được đặt ra nhưng chưa đạt được, vì sao?

– Đó là đầu vào sản xuất nông nghiệp, từ phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu. Khi giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, lợi nhuận của nông dân bị bào mòn, làm giảm giá trị gia tăng cho ngành hàng.

Đó là nông sản có truy xuất nguồn gốc với mã định danh vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi còn chiếm tỉ lệ nhỏ; việc lạm dụng phân thuốc vô cơ vẫn còn phổ biến.

Một lý do khác là nông sản chủ yếu vẫn xuất thô, thiếu hạ tầng logistics phục vụ cho việc phân loại, bảo quản, chế biến từ trong nội địa cho đến cửa khẩu nên rất dễ bị đứt gãy, dẫn đến ùn ứ nông sản khi vào chính vụ hoặc do những quy định mới, khó lường của các quốc gia nhập khẩu.

* Trong một cuộc làm việc với Hội Nông dân Việt Nam mới đây, ông có nêu đề xuất để tăng hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân: cần xây dựng chương trình khởi nghiệp cho họ. Cụ thể ý tưởng thế nào?

– Theo quan niệm truyền thống, nông nghiệp chỉ là trồng trọt, chăn nuôi; làm nông chỉ cần sức khỏe, một ít đồng vốn, một ít kiến thức. Thậm chí nghề nông là bất đắc dĩ khi không chọn được nghề nào khác. Có phải vậy chăng mà nông nghiệp luôn tăng trưởng chậm, năng suất lao động thấp dẫn đến nghề nông là một trong những nghề thu nhập thấp nhất trong xã hội? Và thế là một dòng người lặng lẽ rời làng quê đi tìm kiếm việc làm, dù không chính thức ở các đô thị, trung tâm công nghiệp.

Theo tôi, phải thay đổi. Đã là nghề thì người làm nghề là nông dân phải được đào tạo, cập nhật kiến thức, hướng dẫn kỹ năng. Làm nông còn đem thực phẩm đến nuôi sống mọi người, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Làm nông tác động đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học.

Làm nông giỏi không chỉ biết tạo ra sản lượng cao mà còn biết tính đến chi phí, lợi nhuận, biết ứng dụng khoa học công nghệ, biết cách kinh doanh nông sản sao cho tối ưu giá. Như vậy, nông nghiệp phát triển bền vững hay không suy cho cùng cũng phải bắt đầu từ người nông dân.

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng tôi chính thức đưa việc đào tạo, huấn luyện nông dân vào. Bắt đầu từ các công tác khuyến nông nâng cao năng lực, tri thức cho nông dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổ chức các lớp đào tạo cho hợp tác xã, tiến tới phối hợp tổ chức các chương trình huấn luyện từ xa thông qua các chuyên mục định kỳ, rồi các cuộc thi tìm hiểu kiến thức làm nông hiện đại trên Đài truyền hình quốc gia.

Có giúp nông dân, nông nghiệp mới thay đổi - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Nông nghiệp mô hình Grab

* Có lẽ phải có cách làm rất khác, nông nghiệp thông minh thì nông nghiệp mới thực sự bứt phá được? Ông từng nói Việt Nam phải làm nông nghiệp thông minh, như mô hình Grab?

– Chúng ta đang sống, làm việc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong một nền kinh tế nối kết và chia sẻ. Uber, Grab kinh doanh vận tải mà không cần đầu tư sở hữu phương tiện, chỉ kết nối với các chủ phương tiện.

Vậy ngoài đầu tư vào nông nghiệp, ngoài tập trung đất đai để gia tăng quy mô, vẫn có cách “tập trung mềm” thông qua mạng kết nối thông minh giữa doanh nghiệp và nông dân. Thật ra đã có những mô hình này trong thực tế thông qua các doanh nghiệp khởi nghiệp rồi. Chúng tôi sẽ tổng kết và nhân rộng trong thời gian tới.

* Tiến tới một nền nông nghiệp thông minh không đơn giản vậy. Đơn giản chuyện làm nông nghiệp sạch nhưng người dân Việt Nam vẫn thường trực nỗi lo ngộ độc. Ông sẽ làm gì để nông sản Việt Nam an toàn hơn?

– Dư lượng thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật độc hại trong nông sản không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm mất đi hình ảnh đất nước trong thương mại toàn cầu. Sự lo lắng, thậm chí là bức xúc của xã hội là hoàn toàn đúng. Để xây dựng hình ảnh một nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”, vấn nạn nêu trên phải được xử lý từ gốc.

Cụ thể là phải nâng cao trách nhiệm xã hội, từ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp; nâng cao nhận thức, kiến thức của người nông dân. Phải quyết tâm thúc đẩy để tiến đến tất cả nông sản phải truy xuất được nguồn gốc, có mã định danh vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, chuẩn hóa và kiểm soát được quy trình sản xuất. Và sẽ phải tăng cường kiểm tra và chế tài, xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe.

Phải làm “cuộc cách mạng” tổ chức lại sản xuất

* Nhiều chuyên gia cho rằng nhược điểm của ngành nông nghiệp là sản xuất manh mún, nông dân, doanh nghiệp đều mù mờ nhu cầu của thị trường. Và câu chuyện ùn ứ nông sản ở biên giới gần đây là một ví dụ điển hình?

– Đúng vậy. Vì thế tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam là tiến trình được xem như “cuộc cách mạng” để tổ chức lại sản xuất, chứ không phải về khoa học công nghệ để tăng năng suất, tăng sản lượng nữa. Nếu không tổ chức lại sản xuất, tất cả chúng ta đều giậm chân tại chỗ vì nó đã đạt đến ngưỡng tăng trưởng rồi.

Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển sắp tới, bộ sẽ chỉ đạo xoay quanh ba vấn đề: hợp tác, liên kết và thị trường. Một là hợp tác giữa những người sản xuất với nhau thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác và liên hiệp hợp tác xã; hai là liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và ba là lấy thị trường để điều chỉnh kinh doanh sản xuất, chứ không phải sản xuất điều chỉnh thị trường. Ba vòng tròn đó là trọng tâm phải đeo đuổi.

Tới đây, bộ cũng sẽ tổ chức các lớp nâng cao năng lực, kỹ năng và kiến thức cho nông dân, chứ không giúp bằng giống nữa. Bởi chỉ có nông dân thay đổi, nông nghiệp mới thay đổi. Khi đó người nông dân mới sống được với nông nghiệp, nông thôn.

Sẽ tăng trách nhiệm người sản xuất

* Về lâu dài, ông có cho rằng Việt Nam phải rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi quản lý?

– Chúng tôi đang xây dựng “Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 – 2030”. Đề án bao gồm đầy đủ các giải pháp về hoàn thiện thể chế, thiết chế quản lý an toàn thực phẩm, quy định về xây dựng định danh mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, truy xuất nguồn gốc; tăng trách nhiệm của người sản xuất, doanh nghiệp; các biện pháp xử lý vi phạm…

Chúng tôi cũng đã có những chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế hỗ trợ đầu tư trang thiết bị kiểm dịch động thực vật, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm. Trong đề án phát triển thị trường xuất khẩu nông sản sẽ kết hợp chuẩn hóa chất lượng nông sản phù hợp với yêu cầu từng thị trường.

Ông Lê Minh Hoan: Chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo chuẩn châu Âu

Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án phát triển thị trường nông sản, đặc biệt là trái cây xuất khẩu qua những thị trường tiềm năng để trình Chính phủ. Chúng tôi đã làm việc với các vị đại sứ ở châu Âu, các thương vụ, tham tán ở bên đó để xây dựng đề án chuẩn hóa, đồng bộ quy trình sản xuất nhằm hướng tới xuất khẩu qua thị trường tiềm năng này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Lê Minh HoanNgành nông nghiệp Việt Namnông dânnông nghiệp

Các tin liên quan đến bài viết