Tại ‘thành phố vắc xin’ Vaccinopolis, các nhà khoa học có thể tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về virus được phân loại ở mức độ nguy hiểm 3 như SARS-CoV-2 và lao…
Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển vắc xin cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng đối mặt với những đại dịch tiếp theo là mục tiêu của “thành phố vắc xin” – Vaccinopolis, vừa được thành lập trong khuôn viên Bệnh viện Đại học Antwerp ở Bỉ.
Tòa nhà mới có diện tích 6.000m2 dành cho các tập đoàn dược phẩm và các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, phục vụ các thử nghiệm lâm sàng đối với các ứng cử viên vắc xin.
Vaccinopolis ra đời sau 14 tháng xây dựng và đây là một kỳ tích trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 đặt ra nhu cầu cấp bách về vắc xin. Tổng chi phí xây dựng là 26 triệu euro, trong đó 50% là từ nguồn ngân sách của chính phủ liên bang, phần còn lại đến từ các nhà tài trợ tư nhân, Đại học Antwerp…
Công trình gồm 30 phòng để cách ly những người tình nguyện tiêm virus phục vụ cho việc nghiên cứu vắc xin.
Tại Vaccinopolis, các nhà khoa học có thể tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về virus được phân loại ở mức độ nguy hiểm 3 (như SARS-CoV-2 và lao) nhưng không nguy hiểm bằng loại 4 gây chết người như Ebola. Theo ông Pierre Van Damme, phụ trách dự án, một trong những điều kiện là phải có phương pháp điều trị và điều kiện cơ sở vật chất lý tưởng.
Các nghiên cứu này phải diễn ra trong một môi trường hoàn toàn kín để ngăn chặn virus lây lan trong tự nhiên. 30 căn phòng rộng rãi, thoáng mát với đồ nội thất duy nhất là một chiếc giường, một chiếc ghế bành và một tủ TV, có hệ thống thông gió riêng.
Trước khi thải ra bên ngoài, không khí được lọc ba lần. Nước từ vòi hoa sen và nhà vệ sinh được thu giữ trong các bể lớn và đun nóng ở nhiệt độ cao để loại bỏ các loại virus. Tất cả đồ dùng cá nhân của người tham gia thí nghiệm đều được khử trùng hoặc xử lý bằng xông hơi.
Khi quá trình thử nghiệm lâm sàng hoàn thành, tất cả các phòng cũng được khử trùng bằng phương pháp hun trùng. Rèm cửa, nệm, ghế ngồi được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt cho phép chúng chịu được các quá trình khử trùng này.
Người tham gia không được mang theo bất kỳ vật dụng cá nhân nào. Họ được cung cấp một loại máy tính bảng đặc biệt có khả năng chịu được quy trình khử trùng để có thể duy trì liên lạc với thế giới bên ngoài và truy cập Internet. Những người tham gia phải ở trong các căn phòng này trong toàn bộ quá trình thử nghiệm có thể kéo dài từ 2 – 3 tuần.
Nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng không quá nguy hiểm, tình nguyện viên có thể rời khỏi phòng của mình và giao lưu với những người tham gia khác trong các phòng chung. Các quy định nghiêm ngặt này là nhằm đảm bảo mầm bệnh không thể thoát ra ngoài.
Chính phủ Liên bang Bỉ đã chi 20 triệu euro để hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường năng lực ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó 13 triệu euro được phân bổ cho dự án Vaccinopolis và 7 triệu euro hỗ trợ Đại học Tự do Brussels (ULB) thành lập một phòng thí nghiệm miễn dịch học mới, có chức năng phân tích các mẫu lấy từ các tình nguyện viên ở Antwerp. Do đó, hai trường đại học sẽ hợp tác trong dự án này. Ứng cử viên vắc xin đầu tiên được thử nghiệm tại Vaccinopolis dành cho bệnh ho gà.
Trước đó, năm 2017, giáo sư Pierre Van Damme đã thành lập Trung tâm Bại liệt (Poliopolis) trong khuôn viên Đại học Antwerp.
Nguồn: tuoitre.vn