Khởi nghiệp với số vốn chỉ 0 đồng, thậm chí sẽ được nổi tiếng, đó là những gì nhiều bạn trẻ tưởng tượng về việc khởi nghiệp bằng hình thức làm video Youtube.
Gia Nam (Hà Nội) – 1 anh chàng quay phim trẻ mê làm video cho biết: “Trước đây, do yêu thích làm phim nên mình có lập 1 team chuyên sản xuất phim ngắn upload lên Youtube, vừa để kiếm tiền vừa để thỏa mãn đam mê. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất quá nhiều, cạnh tranh lớn, lợi nhuận không có nên team phải giải tán”.
Hiện tại, Nam đã chuyển sang 1 dự án khởi nghiệp mới. Đó là sản xuất video búp bê Babie cho các bé gái trong độ tuổi 8-15 và hướng đến thị trường ngoại nhiều hơn. “Nhóm mình có 5 người, trong thời gian vừa qua đã làm thủ công được 10 ngôi nhà búp bê và dự kiến hoàn thành seri 10 video với các câu chuyện khác nhau”.
Những đạo cụ cho việc sản xuất video |
Lý giải tại sao lại chọn đối tượng “câu view” là trẻ em ngoại quốc, Nam cho biết, nội dung cho trẻ em dễ để sản xuất lẫn marketing. Trẻ nhỏ thường được cầm điện thoại, máy tính bảng của cha mẹ. Hơn nữa, chúng không quan tâm nhiều đến nội dung, chỉ chú ý đến các nhân vật mình thích. Đối với thị trường nước ngoài như Bắc Mỹ hay Châu Âu, 1.000 view có thể kiếm được từ 6 tới 8 USD. Còn Việt Nam là thị trường nhỏ, tỷ lệ doanh thu chỉ khoảng 1 USD/1.000 views.
Một ngày làm việc của ekip sản xuất video |
Không kiếm tiền trên Youtube bằng hình thức tự sản xuất video chuyên nghiệp, Chung Nguyễn – 1 bạn trẻ ở Hải Phòng lại chọn cách kiếm tiền từ việc biên tập và upload các video có sẵn theo chủ đề đang được quan tâm.
“Muốn kiếm tiền bằng lượt xem trên Youtube phải bật chế độ kiếm tiền trong cài đặt kênh. Cứ mỗi một view thật (1 view trên 1 phút có chèn quảng cáo), người upload video đó sẽ được tính tiền”. Theo Chung, quảng cáo chạy trong video là Youtube có sẵn và sẽ trả tiền cho người dùng nếu quảng cáo được xem.
Mỗi tháng, Youtube sẽ “trả lương” qua Paypal hay Western Union. Nếu như trước đây, mỗi tháng cậu chỉ kiếm được 3-5 triệu đồng thì giờ hiện tại, thu nhập có khi được 10-20 triệu/ tháng. Và thực sự đây là 1 kênh cộng tác kiếm tiền khá tốt nếu bạn có thời gian và sở thích riêng.
Tuy nhiên, chị Phương – 1 người chuyên làm video trên Youtube cho biết, muốn kiếm tiền trên youtube thì kênh của bạn phải có từ 10.000 view trở lên. Và thực tế, kênh Youtube của bạn chỉ được trả tiền khi view đó hiển thị quảng cáo, tức là có những lượt xem video nhưng không hiển thị quảng cáo thì sẽ không có tiền. Và bên cạnh đó, vấn đề bản quyền của Youtube cũng rất chặt. Nếu không tìm hiểu kỹ, bạn vừa không kiếm được tiền mà có khi còn bị “đánh sập” kênh.
Nhiều Youtuber cũng khẳng định, việc kiếm tiền trên Youtube không hề dễ dàng. Cái khó của việc này chính là nắm bắt được những xu hướng hot để hút người xem. Đồng thời chủ kênh phải biết SEO cho video nhanh lên top, sẽ được ưu tiên khi tìm kiếm…
Vì vậy, nhiều người không đăng ký tài khoản trực tiếp với YouTube mà thông qua bên thứ ba, gọi là Network. Bên này sẽ đứng ra cung cấp các dịch vụ, phát triển kênh, hỗ trợ sáng tạo, quản lý vấn đề bản quyền, hỗ trợ tăng doanh thu. Bên cạnh đó, họ được toàn quyền quản lý về bản quyền, kinh doanh, quảng cáo, phát triển kênh Youtube đó.
Những gương mặt Việt kiếm triệu đô từ Youtube Với gần 9 triệu lượt theo dõi và gần 300 video trên kênh Youtube riêng, từ 1 cô gái gốc Việt vô danh, Michelle Phan trở thành tỷ phú nổi tiếng nhờ sản xuất video chia sẻ bí quyết trang điểm. Lọt top 30 gương mặt nổi bật của Forbes Việt Nam, sở hữu hơn 1,7 triệu theo dõi trên trang Youtube, Trần Đức Việt (JVevermind) là 1 trong những người Việt Nam đầu tiên tạo nên trào lưu làm blog trên Youtube với thu nhập “siêu khủng”. Bé Nguyễn Ngọc Bảo An, từ lúc 5 tuổi, đã sở hữu 400 triệu view cho 1 video ca nhạc thiếu nhi trên YouTube. Các clip còn lại cũng đạt ít nhất từ 1 triệu đến hơn 10 triệu view. Nếu tính một video clip có 1 triệu view có thể nhận được hơn 1.000 USD thì số tiền mà cô bé kiếm được là không hề nhỏ. Các nội dung video thường được làm trên Youtube: Vlog: Ngồi trước máy quay trò chuyện (Các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực này như JV, Dưa Leo, PewPew, HuyMe…) Review: giới thiệu, đánh giá sản phẩm/ dịch vụ (Có kênh ChangMakeup, Cộng Review, Review dạo…) Tuturiols video: hướng dẫn làm 1 thứ gì đó. Video cho thiếu nhi: ca nhạc, hoạt hình, đồ chơi… Quay tất cả những gì bạn nghĩ có người xem: chơi game, MV ca nhạc, phim ngắn, động vật… |
Nguồn: vietnamnet