“Có tranh biếm hoạ là người dân cầm hồ sơ ngơ ngác vì không biết tìm người nào làm việc, vì đến cơ quan toàn thấy thứ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng, cục phó, trưởng phòng, phó phòng” – ông Nguyễn Đức Hà bình luận.
Ông Nguyễn Đức Hà là chuyên gia của Ban Tổ chức trung ương, cơ quan tham mưu cho Bộ Chính trị trình Trung ương các đề án về đổi mới tổ chức, bộ máy và tinh giản biên chế. Sau khi nghị quyết trung ương 6 được ban hành, ông có cuộc trò chuyện với báo chí để giải thích những vấn đề dư luận quan tâm.
“Nói đến tổ chức là động chạm đến con người, tâm tư tình cảm, đời sống, lợi ích, thậm chí có cả lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ, vì thế nên rất phức tạp. Nếu làm đồng loạt, tổng thể nhiều nội dung công việc sẽ có tác động rất lớn” – ông Hà nói.
Vì vậy, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định tập trung vào một số vấn đề. Vấn đề nào đã rõ, đã chính, vấn đề có sự thống nhất cao thì làm trước, rồi tới đây ta tiếp tục làm. Nếu thay đổi toàn bộ ngay sẽ phức tạp.
Ông Hà cho biết, qua nhiều lần tinh giản, sáp nhập, Chính phủ có 18 Bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan trực thuộc. Như vậy là đã giảm đầu mối so với nhiệm kỳ Chính phủ trước, nhưng các tổng cục bên trong lại tăng gấp đôi, các cục, vụ, phòng ban bên trong cũng tăng lên rất nhiều.
Tức là đầu mối bên trong tăng rất nhiều, rồi lãnh đạo, cấp phó, số lượng, tỷ lệ lãnh đạo lớn quá. Có địa phương một sở có 44/46 lãnh đạo, trên này cũng thế, có cục, vụ toàn làm lãnh đạo hết, chẳng có ai là nhân viên cả.
“Rõ ràng số lượng lãnh đạo cấp phó quá lớn, mất cân đối, cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa hợp lý” -ông nói.
* Đâu là nguyên nhân chính của tình trạng trên, thưa ông ?
Trung ương chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Ví dụ, trong quá trình thực hiện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, nhất là người đứng đầu, nhiều cấp uỷ, nhiều cấp chính quyền chưa quyết liệt. Chúng ta cũng chưa có cơ chế khen thưởng những nơi làm tốt, chưa có chế tài xử lý nghiêm người làm kém nên cuối cùng dẫn đến hoà cả làng.
Còn nguyên nhân một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cũng quy định về bộ máy dẫn đến chồng chéo. Rồi lâu nay ta cấp chi thường xuyên trên đầu biên chế cũng lại là một việc không đúng, làm tăng nhanh biên chế.
Rồi công tác tổng kết, nghiên cứu khoa học một cách căn cơ về tổ chức bộ máy chưa tốt.
Lâu nay có chuyện một việc rất nhiều người, nhiều bộ cùng làm, ví dụ như vệ sinh ATTP, các Bộ nông nghiệp, y tế, công thương đều “dính” đến. Một việc nhiều người làm nhưng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm chính.
* Vậy Trung ương đặt ra yêu cầu giải quyết như thế nào ?
Nguyên tắc đã được ghi rõ trong nghị quyết, đó là một cơ quan, tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng một việc thì chỉ có một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, đây là quan điểm mới và dứt khoát phải như thế.
Quy mô, mô hình tổ chức không nhất thiết giống nhau giữa các bộ, các địa phương, làm sao phù hợp với tình hình cụ thể của từng cơ quan tổ chức.
Mục tiêu lần này đặt ra những cái tổng thể, dài hơn đến năm 2030 nhưng cũng có từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo từng lộ trình. Vì thế, ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 chúng ta phải xây dựng và hoàn thiện được mô hình tổ chức tổng thể của bộ máy chính trị để tương ứng với thời kỳ mới.
Trước mắt, đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế.
Một nhận định nữa Trung ương nói là đơn vị hành chính của ta rất manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt. Năm 1986 cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 535 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 10 nghìn đơn vị hành chính cấp xã.
Lần này cũng sẽ quy định số lượng tối thiểu để lập cấp phòng, cấp vụ là bao nhiêu, không thể có tình trạng một vụ có bốn người gồm một trưởng ba phó, và dứt khoát trong vụ không lập phòng. Còn ở Trung ương nếu muốn bổ sung thêm một cục, một vụ thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị chứ ko thể tự vẽ ra được.
Ông Nguyễn Đức Hà
Nhưng sau 30 năm đã tăng rất nhiều, thêm 19 tỉnh, 178 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.136 đơn vị cấp xã. Hiện nay đang có 724 xã không đạt 50% tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là những xã, thôn bé nhỏ quá thì nhập lại để tăng nguồn lực và giảm kinh phí.
*Vậy Trung ương định hướng cụ thể như thế nào trong việc tổ chức bộ máy, ví dụ về quy mô của cấp vụ, cấp phòng ? Đối với các quyết định cụ thể như giải thể 3 ban chỉ đạo thì sẽ tiến hành ra sao ?
Trên tinh thần kiên quyết giảm bớt đầu mối trung gian, giảm bớt tầng nấc, những gì rõ ràng rồi thì làm, ví dụ kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, nhập tổ chức Đảng bộ ngoài nước với Đảng bộ Bộ ngoại giao, chuyển Ban chỉ đạo cải cách Trung ương về thuộc một Vụ của Ban Nội chính.
Kiện toàn sắp xếp lại Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ ở Trung ương và ban bảo vệ sức khoẻ cán bộ ở các tỉnh. Hiện ở một số địa phương sinh ra ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ, nhưng lại xây dựng cả bệnh viện, nhập cả máy móc mà có mấy người, một năm xuân thu nhị kỳ khám bệnh có hai lần. Đó là cái bất hợp lý.
Thế còn định hướng thì nghị quyết cũng đã thể hiện rõ, ví dụ phải giảm cấp phó. Quy định 15 người một phòng, nếu 7 người 1 phòng chỉ được 1 phó, 11 người thì được 2 phó, tối đa cũng chỉ được 3 phó. Sau này giao cho tỉnh, ví dụ 1 tỉnh có 15 sở, mỗi sở được 3 cấp phó, tức là 1 tỉnh có 15 sở thì dc giao 45 cấp phó, sau đó trao quyền này cho cấp tỉnh để họ tự phân bổ, như vậy vừa chủ động vừa sát thực tiễn.
Rồi cấp hàm trên các cơ quan Trung ương phải khắc phục chuyện lạm dụng, lúc đầu hàm là đúng nhưng sau nới lỏng, vận dụng nhiều quá làm méo mó đi. Một vụ có một vụ trưởng mà 6 ông hàm vụ trưởng thì không được.
Nếu giảm được cấp thứ trưởng, tổng cục, cục thì giảm được nhiều lắm. Sắp xếp bộ máy vừa để hiệu lực hiệu quả bộ máy nâng lên nhưng nó tiết kiệm chi thường xuyên, chi cho con người, thế mới có tiền cải cách nâng tiền lương, chi cho đầu tư phát triển.
*Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã đặt ra nhiều năm nay nhưng chưa thành công, vậy ông nhận định gì về những rào cản trong quá trình thực hiện nghị quyết Trung ương lần này ?
-Nghị quyết này rất khác các nghị quyết trước. Rào cản chính là sáu nguyên nhân, bất cập mà Trung ương đã chỉ ra rất rõ.
Như tôi đã phân tích ở trên, nghị quyết lần này của Trung ương ban hành trên cơ sở nghiên cứu bài bản, đánh giá kỹ lưỡng những tồn tại, bất cập và qua đó đưa ra các giải pháp rất cụ thể. Đây là nghị quyết giao việc tận nơi, đến từng địa chỉ, ai không làm hoặc làm không tốt sẽ bị xử lý, vì vậy tôi tin nghị quyết sẽ được thực hiện thành công.
Nguồn: tuoitre.vn