“Học đại học hay học nghề sau khi tốt nghiệp THPT?”. Đáp án cho câu hỏi này của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai, tùy thuộc vào các yếu tố như năng lực, phẩm chất, sở thích, kinh tế, văn hóa, xã hội… của từng người.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm học 2022 – 2023
Tuy nhiên, có thể có một số điều cần quan tâm để học sinh và gia đình tham khảo, lựa chọn sao cho học đại học hay học nghề đều dẫn đến những lợi ích và thành công trong cuộc đời.
Cân nhắc kỹ được – mất
Chọn học đại học, các bạn trẻ luôn có những lợi ích về mặt kiến thức, tiềm năng phát triển, cơ hội việc làm và thu nhập. Nhờ có kiến thức nhận được từ trường đại học, bạn sẽ có khả năng phát triển tư duy phản biện và trừu tượng, khả năng độc lập thể hiện tư duy, quan điểm của mình và có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống.
Không như học nghề với việc tiếp nhận kiến thức hẹp, đại học tạo cơ hội cho người học tiếp cận nhiều môn học có kiến thức rộng và sâu với nhiều ngành học, từ đó người học sẽ có điều kiện để theo đuổi đam mê của mình.
Giáo dục đại học sẽ giúp bạn trẻ mở rộng tầm mắt với thế giới, khám phá sở thích của mình, tạo điều kiện kết nối các mối quan hệ xã hội, cộng đồng và thế giới. Nhờ được học các kiến thức tổng quát, khai phóng, tư duy phản biện và kỹ năng công nghệ mới, bạn trẻ có nhiều cơ hội thành công trên thị trường lao động, tiến bộ trong sự nghiệp, có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp và việc làm hơn.
Trong tương lai xa hơn, với một thị trường lao động minh bạch, thu nhập của người tốt nghiệp đại học nhìn chung cao hơn những người học có trình độ thấp hơn, cơ hội thất nghiệp thấp hơn. Cũng có những người lý giải họ muốn học đại học để kỳ vọng vào địa vị xã hội tốt hơn, được ngưỡng mộ hơn và dễ gặp được người hôn phối ưng ý và cho ra những thế hệ sau thông minh hơn, có điều kiện chăm sóc sức khỏe và cuộc sống sau này.
Đặc biệt ở nhiều vùng, các bậc phụ huynh vất vả suốt đời đầu tắt mặt tối làm lụng và ước muốn cho con học đại học để được đổi đời, không phải sống và lao động khổ cực như thế hệ của mình nơi thôn quê.
Tuy nhiên, khi lựa chọn học đại học, cần cân nhắc một số vấn đề như chi phí tiền bạc, thời gian học tập lâu hơn, tính linh hoạt hạn chế, môi trường học tập khá cạnh tranh và có thể phải sống xa nhà… Chi phí học tập ở trường đại học sẽ cần được tính đến vì khá tốn kém tiền học phí, ăn ở, đi lại và các chi phí sinh hoạt khác. Một số sinh viên đã phải đi làm thêm hoặc vay nợ để trang trải các chi phí học tập.
Mặt khác, thời gian học tập lâu hơn học nghề đòi hỏi sinh viên phải giữ cân bằng thời gian dành cho học tập và các công việc khác. Trong quá trình học, do cấu trúc chương trình không như học nghề nên việc học sẽ không linh hoạt như các khóa học nghề.
Học thực để có năng lực thực
Một lựa chọn thứ hai trên con đường học hành là học sinh tốt nghiệp THPT có thể chọn vào học nghề. Học nghề cũng mang lại cho học sinh một số lợi thế, như việc tập trung đào tạo kỹ năng thực hành sẽ giúp cho người muốn tham gia các hoạt động nghề nghiệp cụ thể đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật thực hành ở nơi làm việc. Trường nghề giúp bạn trẻ được học theo việc làm cụ thể, chương trình thường gắn với vai trò công việc và giúp dễ kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Nhờ thời gian đào tạo ngắn hơn nên học sinh nhanh chóng tham gia thị trường việc làm và có thu nhập sớm hơn để có thể nuôi sống bản thân và đỡ đần cho gia đình. Đặc biệt, chi phí học học nghề thường thấp hơn so với chi phí học đại học và được Nhà nước khuyến khích bù học phí cho khá nhiều đối tượng vào học nghề. Một số nghề học sinh ra trường có thu nhập khá tốt như các nghề điện lạnh, xây dựng, sửa chữa thiết bị điện…
Tuy nhiên, so với học đại học, các chương trình nghề có các khóa học hạn chế, thường khó giúp học sinh khám phá mối quan tâm đa dạng của mình; kiến thức lý thuyết hạn chế nên hiểu biết và vận dụng sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như khả năng độc lập làm việc cũng bị giới hạn.
Những rào cản về liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, sự chuyển đổi tín chỉ từ học nghề sang đại học gặp nhiều khó khăn. Đôi khi học sinh học nghề còn bị ám ảnh bởi sự kỳ thị, mất sĩ diện do cảm giác không thành công trên con đường học vấn truyền thống.
Tóm lại, việc chọn học đại học hay chọn học nghề cần sự quan tâm đến những lợi ích và những hạn chế của mỗi lĩnh vực sao cho phù hợp với nhu cầu, mục tiêu nghề nghiệp, sở thích, đam mê của bản thân và gia đình, bỏ qua những mặc cảm về văn hóa bằng cấp để học tập. Dù học đại học hay học nghề cũng đều phải chăm học, không thể lười nhác, thụ động lĩnh hội tri thức, kỹ năng và đều phải học thực mới có năng lực thật để có việc làm thật.
So sánh, chạy đua là viển vông
Cơ hội việc làm đối với các sinh viên trường nghề ngàycàng rộng mở. Trong ảnh: các doanh nghiệp Nhật Bản đến Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng để tìm hiểu và tuyển dụng nhân lực
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, câu hỏi thường xuyên được tôi đặt ra với từng học trò lớp mình trong thời điểm các em chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp là các em chọn ngành nào, học trường nào và (mong muốn) làm nghề gì? Câu trả lời của các em khác nhau. Có những em muốn đi học nghề, vài em muốn đi xuất khẩu lao động, và nhiều em muốn được vào các trường đại học để tiếp tục việc học.
Với những học trò có định hướng dứt khoát cho mình là học nghề và xuất khẩu lao động, thường tôi cảm thấy yên tâm hơn bởi các em đã xác định từ sớm và rõ ràng con đường cho tương lai. Trong khi với nhiều em khác, tuy lựa chọn sẽ tiếp tục việc học đại học nhưng lại mơ hồ trong việc xác định rõ ràng, chi tiết về ngành học, chương trình đào tạo hay các cơ hội việc làm trong tương lai của ngành nghề đó.
Với những trường hợp như vậy, tôi luôn đề nghị các em hãy dành thời gian tìm hiểu thật kỹ càng, suy xét thật thấu đáo về ngành nghề, nguyện vọng bản thân, hoàn cảnh gia đình, rồi trả lời hai câu hỏi:
Thứ nhất, em muốn gì? Tức là em phải biết rõ bản thân muốn làm nghề gì trong tương lai, muốn mình trở thành ai, hay muốn công việc như thế nào, muốn sống ở đâu hay thu nhập trong tương lai sẽ là bao nhiêu thì đủ?… Những câu hỏi này các em phải tự vấn bản thân để trả lời thành thật, nghiêm túc và cụ thể nhất.
Thứ hai, em có gì? Học sinh phải nắm bắt rõ ràng mình có những sở trường, sở thích nào, có tài năng nào mà bản thân muốn được phát huy, thăng tiến trong nghề nghiệp; phải biết mình có được sự hỗ trợ tài chính nào từ gia đình, có đáp ứng đủ cho việc học đại học hay không; và em lên kế hoạch cho tương lai ra sao.
Như vậy, việc học đại học có cần thiết hay không thực ra không có mẫu số chung cho mọi câu trả lời. Do đó, mọi suy nghĩ so sánh bản thân với người khác, mong muốn chạy đua với những người thành công hay nổi tiếng đều là viển vông. Dựa vào hoàn cảnh và tình huống của mỗi cá nhân, với sự tư vấn hỗ trợ của người lớn, học trò phải đưa ra lựa chọn cho cuộc đời mình và tự chịu trách nhiệm với chính lựa chọn đó.
Nguồn: tuoitre.vn