Tuần qua, một trong những sự kiện được báo chí quan tâm là ngày 8-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bất ngờ thị sát tình hình cơ sở vật chất và công tác khám, chữa bệnh tại 4 bệnh viện lớn ở Hà Nội gồm: E, K, Nội tiết và Hữu Nghị. Dù tại mỗi bệnh viện chỉ có chừng một giờ làm việc nhưng bộ trưởng đã ghi nhận nhiều điều và cho biết trong số 4 bệnh viện được kiểm tra, bệnh nhân bức xúc nhất với Bệnh viện K – cơ sở điều trị ung thư đầu ngành tại Việt Nam. “Chưa ở đâu bệnh nhân cho biết bị vòi vĩnh biếu tiền, nhưng tại Bệnh viện K thì có. Công suất sử dụng giường bệnh báo cáo là 97%, nằm ghép nhiều nhất là 2 người/giường nhưng kiểm tra thực tế có khoa ghép 4 người/giường”. Và bộ trưởng đã không giấu được bức xúc: “Bệnh viện phải chấn chỉnh ngay ba vấn đề: nhân lực, tinh thần thái độ của cán bộ y tế và giảm nằm ghép”.

Đó là chuyện ở xa. Còn ngay tại Bình Phước, Trung tâm Chạy thận nhân tạo thuộc Khoa Nội Bệnh viện đa khoa tỉnh nhiều năm qua vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Năm 2014, trung tâm được UBND tỉnh cấp kinh phí 1,6 tỷ đồng để mua thêm 4 máy chạy thận, nâng tổng số máy hiện có lên 12. Thế nhưng cho dù sử dụng tối đa công suất máy cũng chỉ đáp ứng được 109 bệnh nhân, trong khi số người bệnh đăng ký ngày càng nhiều. Bên cạnh đó dù tăng thêm máy nhưng số người phục vụ không tăng. Hiện trung tâm có 16 người, chỉ có 1 bác sĩ. Giám đốc bệnh viện cho biết, để đáp ứng nhu cầu chạy thận cho bệnh nhân, bệnh viện cần thêm 8 máy và 4 bác sĩ nữa. Do quá tải nên hiện mỗi ngày có khoảng 20 bệnh nhân phải tá túc tại bệnh viện, ăn cơm từ thiện để chờ đến lượt chạy thận.

Nhớ lại hơn 6 năm trước, vào những ngày cuối tháng 11-2011, khi thị sát tình trạng quá tải tại 3 bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, chứng kiến cảnh bệnh nhân của Bệnh viện ung bướu nằm trong gầm giường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã không giấu được bức xúc và nói: “Dân số từ ngày giải phóng đến nay tăng nhiều, còn bệnh viện và giường bệnh không thêm bao nhiêu. Đây là vấn đề cần phải xem lại. Không có đất nước nào tôi đến, kể cả châu Phi lại có cảnh bệnh nhân phải nằm gầm giường như ở nước ta!”.

Thực ra, bệnh viện quá tải là câu chuyện “xưa như trái đất”. Nó chỉ thực sự trở thành câu chuyện thời sự khi các vị lãnh đạo ngành, lãnh đạo cấp cao lên tiếng. Báo chí phanh phui, mổ xẻ một thời gian rồi sau đó lại chìm vào quên lãng và người bệnh thì xác định phải kiên nhẫn “sống chung với lũ”. Ai cũng thấy rõ, trong khi các khu công nghiệp, sân golf và chung cư cao cấp ngày càng nhiều thì đất để xây bệnh viện lại không tìm ra. “Không có đất nước nào tôi đến, kể cả châu Phi, lại có cảnh bệnh nhân phải nằm gầm giường như ở nước ta”. Câu nói hơn 6 năm trước của Bộ trưởng Bộ Y tế có thể 6 năm sau vẫn nói lại mà không hề mất đi tính thời sự. Bởi dường như chúng ta đang chạy theo những con số tăng trưởng mà chưa đặt con người, sức khỏe, hạnh phúc của người dân ở trung tâm của sự phát triển, để mỗi bước tăng trưởng kinh tế phải được phản ánh bằng sự cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Và trách nhiệm này không chỉ thuộc về ngành y tế mà là trách nhiệm của cả hệ thống nhà nước. Bởi đất để xây bệnh viện, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế cũng như đào tạo nhân lực ngành y… không chỉ thuộc quyền quyết định của Bộ Y tế.

Thảo Nguyên

Từ khóa : chạy thậnmáy lọc thậnxưa như trái đất

Các tin liên quan đến bài viết