Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu bàn giao hồ sơ vụ việc Khaisilk sang cơ quan công an để xem xét và làm rõ các hành vi vi phạm liên quan.

Yêu cầu này được đưa ra tại cuộc họp (báo chí không được tham dự) do Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì về vụ Khaisilk bán hàng Made in China lùm xùm trong thời gian vừa qua,

Ông Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trong đó có sự tham gia của các đơn vị liên quan từ thuế, hải quan và các hiệp hội liên quan xây dựng nội dung, đề cương kế hoạch kiểm tra.

Bộ trưởng cũng yêu cầu phải cho giám định các mẫu sản phẩm lụa đã thu giữ tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai để xem xét chất lượng và mẫu mã để phục vụ điều tra vi phạm.

Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần của Bộ Công thương sẽ làm nghiêm và khẩn trương làm rõ các vi phạm liên quan, xử lý theo đúng quy định để xem xét xử lý.

 Quản lý thị trường Hà Nội đã chuyển cho công an điều tra

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 30-10, ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, khẳng định đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 – Công an Hà Nội) để làm rõ theo luật định.

Theo ông Kiên, trước đó, lực lượng quản lý thị trường nắm được thông tin và tiến hành kiểm tra, thu giữ ngay 60 khăn lụa có dấu hiệu vi phạm cùng các sản phẩm khác như quần áo, cà vạt…

Số sản phẩm này theo kê khai tại cửa hàng trị giá trên 30 triệu đồng. Đây là căn cứ pháp lý để quản lý thị trường chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét vụ việc có dấu hiệu hình sự.

Cũng theo ông Kiên, ngoài các vi phạm về sản xuất hàng hóa, cơ quan công an cũng sẽ mở rộng xác minh thêm các vấn đề về thuế, bất động sản của doanh nghiệp này.

Tại cuộc họp chiều nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã yêu cầu làm rõ mối liên hệ giữa bà Nguyễn Thị Thu Nga (chủ cửa hàng 113 Hàng Gai) với Tập đoàn Khaisilk.

Về thông tin này, ông Kiên cho biết: “Bà Nga là đại diện cho ông Khải ở cơ sở 113 Hàng Gai. Bà Nga là người chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của Khaisilk tại đây”.

Ngoài ra, bà Nga cũng là chủ hộ kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể đăng ký tại địa chỉ trên do UBND quận Hoàn Kiếm cấp.

Nhân viên Khaisilk tự ý tráo hàng: Mới chỉ là thông tin ban đầu

Cuộc họp này diễn ra sau khi Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội có báo cáo tới Cục Quản lý thị trường vào ngày 27-10, và lãnh đạo Bộ Công thương cho biết sẽ thông tin rộng rãi tới báo chí về nội dung và kết quả sau cuộc họp.

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội về kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm), chủ hộ kinh doanh (đơn vị kinh doanh cá thể do UBND quận Hoàn Kiếm cấp) cho biết cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.

Tuy nhiên, do sơ xuất trong quản lý và trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20-10, nhân viên đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường và cắt bỏ nhãn gốc “Made in China” sau đó khâu nhãn “Made in Vietnam” để bán cho khách hàng.

Toàn bộ số lượng khăn được thay đổi nhãn mác (56 chiếc) đã được cơ quan quản lý thu giữ.

Một đại diện của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xác nhận rằng báo cáo được gửi tới Cục Quản lý thị trường mới chỉ là báo cáo ban đầu, không phải kết luận.

Hiện các cơ quan liên ngành vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh các thông tin liên quan đến vụ việc, trong đó có vấn đề mối quan hệ của cửa hàng 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga làm chủ với Tập đoàn Khaisilk….

Đổ cho nhân viên “thật không thể tin được”

Các chuyên gia kinh tế, chuyên gia thương hiệu đã tỏ ra hết sức bất ngờ trước thông tin Khaisilk nói với quản lý thị trường rằng nhân viên tự ý ra ngoài thị trường mua khăn lụa Trung Quốc về bán.

Một chuyên gia thương hiệu, người từng có dịp làm chung với hệ thống Khaisilk, cho biết nội dung báo cáo từ Quản lý thị trường Hà Nội thật khó tin.

Theo vị nay, ông Khải là người quản lý rất chi tiết và chặt chẽ nên rất khó xảy ra việc này “vì thế có thể đây là cách để làm giảm nhẹ tội khi đổ thừa cho lính”.

Vấn đề là một năm có bao nhiêu ngày lễ để bán hàng, không chỉ dịp 20-10, rồi trong suốt 30 năm thì sao, vị này đặt câu hỏi.

“Đọc thông tin về báo cáo của cơ quan quản lý thị trường thì không ai tin được, dù chúng ta hiểu đó là cách để giảm phạt và giảm áp lực dư luận”, vị này nhận xét.

Theo chuyên gia này, việc đổ thừa nhân viên và tự nhận mình yếu kém trong quản lý là cách để giảm căng thẳng dư luận ban đầu.

“Nhưng rồi người tiêu dùng sẽ đặt câu hỏi năng lực quản trị bán lẻ theo chuỗi của doanh nghiệp này có vấn đề, mà quản lý chuỗi cung ứng thì đầu vào được cho là quan trọng nhất”, ông nói.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành công ty The Pathfinder, bài học ở đây là trong quá trình mở rộng thương hiệu sang các lãnh vực mới, nhưng ông chủ lại chưa chú trọng đến kiến trúc thương hiệu và chiến lược thương hiệu phù hợp.

“Tôi biết hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang nhập hàng từ Trung Quốc về bán. Nếu nhìn ở góc độ thương mại thuần túy, trong thời buổi hội nhập, đó là điều bình thường. Điều khác thường chỉ là doanh nghiệp lại đánh tráo nguồn gốc xuất xứ, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”, ông Tuấn nói thêm.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chi cục Quản lý thị trườngcông anHà Nộihành vi vi phạmhồ sơKhaisilkkhăn lụakinh doanhnhân viênthương hiệu

Các tin liên quan đến bài viết