Theo nhiều cụ cao niên tại xã Phú Hòa Đông, vào thời hưng thịnh, đất Phú Hòa Đông có khoảng 50 cây củ chi (Đông y gọi là cây mã tiền, cổ chi) mọc rải rác. Tuy nhiên, do chất kịch độc có thể chết người, do khả năng chữa bệnh đau nhức xương hữu hiệu…, hiện loài cây này chỉ còn đúng 2 cây sau quá trình dài bị con người xâm hại.
Đau xót việc cây “tử thần” củ chi (cũng là cây thuốc quý) có nguy cơ gục ngã trước việc xâm hại của con người, lão nông Út Thanh (tên đầy đủ là Lê Phước Thanh, ở xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP.HCM) tự nguyện ngày đêm ra sức gìn giữ.
Bức tử cây “tử thần”…
Trước khi về Củ Chi tìm hiểu cây củ chi, tôi lân la hỏi một số người con sinh ra và lớn lên trên đất thép vì sao gọi cây mã tiền là cây củ chi? Có lão nông cho rằng, do trước đây cây mọc nhiều tại địa phương nên tên đất dần dà thành tên cây cho dễ gọi. Lại có người cho rằng, thay vì gọi là cây cổ chi, nhưng người dân đọc trại âm thành củ chi…
Ông Út Thanh đang chỉ những phần gốc cây bị người dân vạt mất phần vỏ. Ảnh: T.Đ
Theo giới Đông y, cây củ chi có chứa chất Strychnin là một chất kịch độc, chỉ cần một liều lượng cực nhỏ cũng đủ làm tê liệt một cơ thể khỏe mạnh. Một số lương y trên phố đông dược Hải Thượng Lãn Ông (TP.HCM) cho biết, vị thuốc chiết xuất từ cây mã tiền (củ chi) có vị đắng, tính hàn, rất độc, có tác dụng thông lạc, chỉ thống, tán kết tiêu thũng. Khi vào cơ thể, vị thuốc này tác dụng đến hết các cơ quan như dạ dày, hệ thần kinh, tim làm các cơ quan này chuyển động ít hay nhiều tùy vào liều lượng. Nếu dùng với liều lượng thích hợp, mã tiền kích thích dây thần kinh, điều hòa hoạt động thần kinh, đặc biệt là hệ thần kinh tủy, lại có tác dụng khai vị, tốt cho tiêu hóa.
|
Lần mò, dò dẫm mãi tôi cũng tìm ra người biết vị trí những cây củ chi cuối cùng trên đất Phú Hòa Đông: Nhà mồ ông Nguyễn Tấn Tới, ở ấp Phú An.
Lần vào con hẻm H323 một quãng không xa, tôi đã phát hiện ra khu nhà mồ ông Nguyễn Tấn Tới như chỉ dẫn. Tại khu nghĩa trang này, có hàng chục ngôi mộ mới cũ nằm chen nhau. Khu nhà mồ hai vợ chồng ông Nguyễn Tấn Tới khá cũ kỹ, nằm tách biệt. Nghe đâu, trước năm 1975, ông Tới là một nhà tư sản giàu nứt đố, đổ vách.
Phía sau nghĩa trang, một cây củ chi cao khoảng 20m, tán che mát một khoảnh đất. Nhìn cái gốc 3 – 4 người ôm, sần sùi có thể đoán nó đã tồn tại rất nhiều thập niên. Thấy tôi đứng tần ngần, săm xoi gốc cây củ chi, một người đàn ông đứng tuổi, vóc dáng nhỏ con tiến tới, trông ông có vẻ không thích thú với sự hiện diện của tôi bên gốc cây.
Sau vài câu tự giới thiệu, ông Út Thanh – người đàn ông nhỏ con, nói thẳng là không hứa cho tôi bất cứ miếng vỏ cây nào, nếu cần ông sẽ biếu tôi vài hạt cây củ chi về ngâm rượu xoa bóp chống nhức mỏi. “Cây này giờ thuộc về nhà nước quản lý. Tôi chỉ có trách nhiệm trông coi. Không ai được tự ý đến vạt vỏ cây về làm thuốc nữa” – ông Út thông báo.
Theo ông Út, mới đây có khoảng chục người đàn ông từ Long An tìm đến đây dùng dao vạt vỏ cây để về làm thuốc. Phát hiện, ông Út yêu cầu không được vạt vỏ cây nữa. “Tôi không thể cho họ làm việc ấy vì nếu biết nhiều người sẽ đến lấy vỏ cây, và vì việc này mà cây có thể chết” – ông Út chia sẻ. Thực tế, theo quan sát của tôi, nhiều chỗ của gốc cây đã bị vạt vỡ toác những mảng vỏ to đùng, lộ cả gỗ.
Cũng theo ông Út, nếu không bị tàn phá, cây củ chi này đã có một tầm vóc bề thế, cao lớn hơn hiện nay nhiều. Khoảng 5 năm trước, một người đàn ông đã cho người hạ một nhánh cây khá lớn từ cây củ chi này. “Ông ta cho xe cẩu, xe kéo đến chở khúc cây đi, lúc ấy tôi không có ở đây để ngăn cản. Với khúc gỗ đó, ông ta xẻ ra làm bộ ván ngựa nằm chữa bệnh đau nhức xương khớp, giá rất đắt, thậm chí có tiền cũng khó mua” – ông Út thổ lộ.
Có một thời, không ai dám bén mảng hay đụng đến những cây củ chi bởi độc tính kịch độc của chúng. Hàng loạt cái chết “bất đắc kỳ tử” liên quan đến cây củ chi khiến người dân thêu dệt vô số câu chuyện về loài cây kịch độc này. Chính vì điều này và để tránh trẻ con vô tình chết oan khi nếm phải vỏ hay hạt cây, người dân đã cho chặt hạ từng cây một. Những câu chuyện người dân tự tử khi gặp bế tắc bằng vỏ hay hạt cây này cứ tiếp diễn…
Cây củ chi cổ thụ đang được lão nông Út Thanh bảo vệ tại khu nhà mộ của ông Nguyễn Tấn Tới (Củ Chi). Ảnh: T.Đ
Ông Út Thanh kể, 2 năm trước một bà cụ sống trên địa bàn xã vì bế tắc trong cuộc sống đã đến lấy vỏ cây nhai để quyên sinh. “Mọi thứ từ vỏ, lá, hạt, thân cây củ chi đều rất độc. Nếu ăn phải vỏ hay hạt thì tỷ lệ tử vong là khá cao. Ở đây nói đến cây này trẻ tránh xa, già hoảng sợ” – ông Út Thanh cảnh báo.
Nhọc nhằn hồi sinh cây “tử thần”
Lão nông Út Thanh đi lòng vòng quanh gốc, ve vuốt những vết thương đã lành trên thân cây củ chi. Ông bảo, trước đây mặc dù trên địa bàn có khoảng 40 -50 cây củ chi, nhưng số cây có tuổi thọ trăm năm cũng chỉ có 5 – 7 cây. Cây củ chi mà ông đang gìn giữ là cây có tuổi thọ cao nhất.
Lấy tay vỗ lộp bộp vào thân cây, ông thổ lộ: “Cây này là cây có tuổi thọ lớn nhất trong các cây củ chi ở đây, rồi đến cái cây của ông Ba Gắn, nhưng đã bị chặt mất rồi. Cây của bà Sáu Rụ (bà Nguyễn Thị Bông) là cây lớn “hỗn”. Sau năm 1975, nó mới được một ôm tay giờ phát triển phải 2 người ôm rồi”.
Vì nhà đối diện với nhà mồ của ông Nguyễn Tấn Tới, nên từ khi lên 5, ông Út Thanh và đám trẻ nít trong xóm xem cây củ chi như người bạn để chơi đùa. “Sau giờ học, bọn tôi hay rủ nhau ra gốc đây chơi bắn thun, đuổi bắt… Có lần đám trẻ nít bọn tôi lấy nhánh khô của cây củ chi nướng củ mì. Ăn khoai xong đứa nào cũng say túy lúy” – ông cười khì kể.
Trong giới Đông y, loài cây này được biết đến nhiều qua tên gọi mã tiền. Đặc điểm của cây củ chi cũng rất dễ nhận biết: Thân gỗ cao trung bình khoảng 10m, lúc đạt cực đại khoảng 25m, vỏ thân màu xám trắng; lá đơn, mọc đối, mắt trên bóng có năm gân hình cung, gân nhỏ hình mạng; cụm hoa mọc ở nách lá đầu cành, hoa có màu trắng hoặc vàng nhạt, có mùi thơm; quả thịt hình cầu đường kính 2,5-4cm. khi chín màu vàng lục, chứa khoảng chục hạt hình tròn dẹt như khuy áo, một mặt lồi, một mặt lõm, có lông mượt bóng.
“Cây củ chi có độc tính cao, được xếp vào loại độc dược hạng A, nhưng nếu sử dụng với liều lượng nhất định có thể trị bệnh đau nhức cực kỳ hiệu quả. Chính vì thế mà tôi quyết giữ cây củ chi này, một phần duy trì nguồn thuốc, và nhất là sợ cây tuyệt chủng trên đất Củ Chi”- ông Út Thanh chia sẻ.
Ông Út Thanh cho hay, để nhân số lượng cây củ chi, 10 năm trước ông cho trồng vài cây, nhưng đến giờ chỉ có một cây sống, và rất chậm lớn. “Sau 10 năm trồng thân cây mới bằng bắp tay. Mới thấy việc trồng cây thuốc này khó chừng nào” – ông bùi ngùi. Cũng theo ông Út, việc ương hạt cây củ chi cũng “trần ai”. Tỷ lệ hạt nảy mầm chỉ khoảng vài phần trăm.
Được biết, tại khu di tích Bến Đình (Củ Chi), nhân viên tại đây đã cho trồng khoảng 50 cây củ chi. Tuy nhiên, sau 10 năm trồng đường kính thân cây cũng chỉ phát triển được 150cm. “Thời gian gần đây cây phát triển chửng lại. Xem ra để cây phát triển thành cổ thụ phải mất hàng trăm năm” – một nhân viên tại đây thổ lộ.
Trước khi chia tay, lão nông Út Thanh không quên biếu tôi bịch hạt cây củ chi kèm theo hướng dẫn sử dụng: “Ngâm rượu xoa bóp khi đau nhức, hiệu nghiệm lắm. Nhưng nhớ để xa tầm với trẻ em. Uống nhầm là chết đó” – ông dặn tới dặn lui khiến tôi cũng thấy e dè với cây “tử thần”.
Theo Dân Trí