Dãy cây dứa gai (vừa để trang trí, vừa để ngăn chặn du khách tiếp cận thú quá gần) ở nhiều chuồng thú Thảo cầm viên đã bị du khách giẫm nát |
Nhiều năm nay, đã có không ít người lên tiếng về việc các loài động vật hoang dã tại Thảo cầm viên đang phải chịu đựng quá nhiều áp lực – từ chuồng trại chật hẹp đến ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn. Nhưng như thế vẫn chưa là gì so với việc chúng từng ngày bị du khách tra tấn. Ở chuồng voi, du khách thản nhiên ném từng khúc mía vào chuồng và ồ lên thích thú khi ném trúng đầu voi. Những con hổ trắng với vẻ oai nghiêm của chúa sơn lâm bị du khách thách thức bằng cách đập tay vào lớp kính cường lực, giậm chân, ra vẻ dữ dằn, hét vào mặt hổ khi hổ tiến đến gần, “giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm”. Thê thảm nhất là cảnh tượng tại khu vực chuồng cá sấu. Để tạo cảm giác gần gũi hơn giữa du khách và thiên nhiên, chuồng nuôi cá sấu được thiết kế mở với cầu thang bộ bên trên để du khách có thể băng ngang qua chuồng và ngắm nhìn cá sấu từ trên xuống thay vì phải nhìn qua song sắt. Kết quả: bên trong chuồng cá sấu là vỏ chai nước, vỏ lon bia, vỏ bánh kẹo và đủ loại rác khác. Nếu nhìn thấy cảnh một chú cá sấu to lớn “đội” trên đầu những quả nhãn ăn dở sẽ không khó đoán chuyện trước đó chú cá sấu tội nghiệp đã bị ném nhãn vào đầu. Trong khuôn viên Thảo cầm viên, đơn vị này đã thiết kế hơn chục nhà vệ sinh và đặt rất nhiều thùng rác thuận tiện sử dụng, nhưng không hiểu vì tiếc vài bước chân hay vì bừa bãi quen thói mà người ta cứ tiện tay ném thức ăn thừa, rác thải ở mọi nơi họ đi qua và cho phép trẻ em đứng tiểu vào gốc cây – những loài cây quý đang được giữ gìn. Liệu trong số các vị phụ huynh ấy, có bao nhiêu người hiểu rằng mình đang định hình thói quen và tính cách cho trẻ? Ở chuồng lạc đà, nhiều du khách đã thản nhiên vượt qua lớp rào chắn thấp bằng sắt, giẫm nát cả dãy cây dứa gai (vừa để trang trí, vừa để ngăn chặn du khách tiếp cận thú quá gần) để đến gần lạc đà, để trẻ em cho lạc đà ăn bánh, cá viên chiên, xúc xích…Nhiều người lớn khác thì bứt lá cây xung quanh đút cho lạc đà. Ở chuồng dê cũng diễn ra cảnh tương tự. Khắp khuôn viên đều có bảng “Cấm chọc phá thú” và ở hầu hết các chuồng thú (trừ chuồng voi và chuồng dê) đều có bảng “Đề nghị du khách không cho thú ăn”, chẳng lẽ những người tham quan kia không biết đọc? Bất chấp luôn cả những bảng chỉ dẫn “Không đi trên cỏ”, người ta trải bạt nằm ngủ, thậm chí bày tiệc nhậu với người thân và gia đình ngay trên các thảm cỏ xanh. Cũng khó trách ban giám đốc Thảo cầm viên khi lượng khách đến đây trong những ngày tết tăng đột biến, vượt quá khả năng quản lý của lực lượng bảo vệ. Mà kể cả nếu lực lượng bảo vệ có đông hơn thì e cũng khó mà chống nổi sự vô ý thức của ngần ấy con người. Thảo cầm viên – một trong những vườn thú lâu đời nhất trên thế giới – không phải là chốn giải trí mà là nơi để chúng ta (đặc biệt là trẻ em) tìm hiểu về thế giới tự nhiên, về các loài động, thực vật. Việc xuất hiện các khu vui chơi với âm nhạc ồn ào, những quầy kem, nơi bán thức ăn, đồ chơi, quà lưu niệm hay thu hẹp không gian vườn thú đã là quá tệ cho nơi này rồi, không cần phải thêm rác và những hành vi thiếu ý thức nữa.