Đừng vì ông giám đốc không biết chữ, e ngại chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” mà thu lại chủ trương xã hội hóa đăng kiểm rất đúng đắn.
Giám đốc đăng kiểm có cần biết chữ?
Xin nói thẳng, tôi đã không giữ được bức xúc khi đọc tin có giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ. Ở thời đại nào mà một ông giám đốc lại có trình độ như vậy, làm sao ông ấy quản lý được cả chu trình kiểm định xe ô tô mà nếu chỉ cần thiếu trách nhiệm, lơ là kỹ thuật, bỏ qua một vài khâu thôi là có thể tiếp tay cho những vụ rủi ro tai nạn trên đường!
Tôi nghĩ, nhiều bạn đọc sẽ có cảm xúc chung như vậy.
Nhưng cần phải bình tĩnh lại chứ không thì cảm xúc lấn át lý trí. Lý trí ở đây là phải xem lại hành lang pháp lý cho hoạt động đăng kiểm, cụ thể là Nghị định 139/2018 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Hàng loạt trung tâm đăng kiểm đã ra đời khi hoạt động đăng kiểm được xã hội hóa.
Điều 24 quy định hai điều kiện cho lãnh đạo đơn vị đăng kiểm. Thứ nhất, ông ấy là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm và ký giấy chứng nhận kiểm định. Thứ hai, ông ấy phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định về đăng kiểm viên với những yêu cầu rất chi tiết, ngặt nghèo.
Vì vậy, những quy định của Nghị định 24 là hành lang pháp luật rất chặt, thậm chí là siết chặt đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện này.
Nhưng thực tế thì muôn hình vạn trạng, như trường hợp vị giám đốc “lớp 3” kể trên. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải: “Trên tế, có lãnh đạo trung tâm kiểm định không phải là đăng kiểm viên, chỉ hiện diện với vai trò quản lý tài chính, tài sản của chủ đầu tư. Ở những trung tâm này, Phó giám đốc phụ trách là đăng kiểm viên và chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận kiểm định phương tiện và tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định”.
Thực tế đó là rất dễ hiểu khi so sánh với hàng loạt các lĩnh vực khác. Ông giám đốc chỉ điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không nhất thiết phải có bằng cấp chuyên môn. Ngay cả Luật Doanh nghiệp cũng không hề có bất kỳ quy định nào về nghề giám đốc.
Một chủ trương cần ủng hộ
Nghị định 139/2018/NĐ-CP cho phép xã hội hóa hoạt động đăng kiểm đã mở ra cơ hội cho các trung tâm đăng kiểm bùng nổ. Thời điểm đó, toàn quốc mới có 172 trung tâm đăng kiểm, sau 4 năm, đến nay đã mọc thêm 107 trung tâm nữa. Xã hội hóa đăng kiểm là một chủ trương đúng nhưng việc cấp phép cho quá nhiều trung tâm đăng kiểm ra đời mà lại buông lỏng quản lý thì rất đáng tiếc!
Những ngày vừa qua, dư luận đã rúng động khi chuyện tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm bị phanh phui. Tại phía Nam, cơ quan công an đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam hàng chục người của 9 trung tâm về hành vi môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác. Nhiều trong tâm đã bị cáo buộc cố ý bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải… của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tại Bắc Ninh, cơ quan công an đã khởi tố giám đốc, phó giám đốc của một trạm đăng kiểm về tội nhận hối lội, thu tiền phí “bôi trơn” ngoài phí đăng kiểm để bỏ qua các lỗi kỹ thuật như khí thải không đạt, đèn phanh không sáng… Còn tại Bắc Giang đã phát hiện hai trung tâm đăng kiểm xe cơ giới cố tình đăng kiểm cho xe cũ nát để chở học sinh.
Hàng loạt trung tâm đăng kiểm dính sai phạm tập thể là đáng báo động. Để một chiếc ô tô không đủ điều kiện lọt qua các vòng kiểm tra tại trung tâm đăng kiểm thì chắc chắn phải có sự thông đồng của cả trung tâm. Những chiếc xe không đủ điều kiện cứ ngang nhiên lưu thông trên đường chở hàng hóa, chở người là nguy cơ gây ra hậu quả giao thông khó lường, đe dọa đến tính mạng của rất nhiều người.
Liệu các cơ quan chức năng có biết, có bao nhiêu những chiếc xe quá tải được nới thùng, ngày đêm phá đường, bao nhiêu chiếc xe tải, xe ben cũ nát mất an toàn gây ra tai nạn, xả khói gây ô nhiễm… đã sau khi đã được “đăng kiểm”?
Việt Nam đang bước vào thời kỳ “ô tô hóa”, số lượng xe ngày càng tăng, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đăng kiểm để đảm bảo an toàn giao thông.
Cơ hội áp dụng công nghệ
Một kỹ sư làm việc cho một tập đoàn ô tô của Đức nhận xét, cách đăng kiểm của Việt Nam hiện nay rất bất cập và lỗi thời, ví dụ bắt buộc phải đăng kiểm đối với xe mới. Những chiếc xe này đã được nhà sản xuất thử nghiệm rất kỹ trước khi bán ra; rồi lại buộc phải kiểm định khi lưu hành là cực kỳ lãng phí và vô lý. Tại Đức xe mới không phải đăng kiểm trong năm đầu.
Đa số các trung tâm đăng kiểm hiện nay chỉ có trang thiết bị ở mức tối thiểu. Họ không có hệ thống đặt lịch hẹn qua mạng, chưa ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo vào hoạt động đăng kiểm. Các hệ thống kiểm thử từ việc đo nồng độ khí thải, đến test lái… hiện nay vẫn dùng sức người thay vì tự động hóa. Nếu tự động hóa từ khâu đặt lịch cho đến kiểm thử và giám sát… chắc chắn sẽ tiết kiệm thời gian cho người dân và giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm, cũng như góp phần giảm tiêu cực trong lĩnh vực này.
Sau sự việc này, hoạt động đăng kiểm xe cơ giới cần có sự cải cách và đổi mới toàn diện. Ngoài việc bỏ đăng kiểm với xe mới, cần đẩy mạnh chuyển đổi số với dịch vụ đăng kiểm. Nên làm theo cách nhiều nước phát triển đã làm, đó là cấp phép đăng kiểm cho các gara lớn, gara của các hãng xe, khi đưa xe vào, những linh kiện nào đến định kỳ sẽ được thay thế theo đúng tiêu chuẩn. Một lần bảo dưỡng tại hãng như vậy chắc chắn còn an toàn hơn đi đăng kiểm như hiện nay.
Thị trường ô tô Việt Nam đang bùng nổ, tới đây sẽ có 5 triệu xe, rồi sẽ 10 triệu xe. Nhu cầu đăng kiểm sẽ còn rất lớn. Đòi hỏi hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ đăng kiểm là cấp bách và thiết thực hơn bao giờ hết.
Và quan trọng nhất, đừng vì chuyện ông giám đốc không biết chữ mà e ngại “con sâu làm rầu nồi canh” mà thu lại chủ trương xã hội hóa đăng kiểm rất đúng đắn này.
Nguồn: vietnamnet