Hiện nay, ở vùng nông thôn tỉnh Bình Phước phong trào lập thân, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên đang diễn ra mạnh mẽ theo hướng tích cực với mỗi người có xuất phát điểm và chọn hướng đi khác. Hai thanh niên ở huyện Phú Riềng là Thái Thành Nhân, 23 tuổi, thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân và Phan Thanh Thuận, 37 tuổi, thôn Phú Tiến, xã Phú Trung là những điển hình tiêu biểu.
Gác giấc mơ giảng đường trở về quê khởi nghiệp
Về xã Phước Tân, huyện Phú Riềng hỏi anh Thái Thành Nhân ai cũng biết chàng trai trẻ từng lầm lỗi nhưng biết đứng lên từ chính những vấp vã của cuộc đời, trở thành người sống có ích cho gia đình và xã hội. Năm 2011 vì sự bồng bột của tuổi trẻ, bạn bè xấu rủ rê lôi kéo, Nhân lỡ xa vào con đường lao lý và bị kết án 6 tháng tù treo. Nhờ sự động viên của gia đình, sự thông cảm của bà con lối xóm, Nhân vượt qua sự mặc cảm, tự ti, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Năm 2013, Nhân thi đậu Đại học Công nghiêp TP.HCM ngành Công nghệ thông tin. Khi đang còn hăng say thực hiện ước mơ giảng đường đại học, thì bất ngờ mẹ của Nhân bị bệnh nặng phải tốn nhiều tiền để chữa trị, gia đình lại nghèo khó. Vì thế, chàng trai trẻ Thái Thành Nhân phải ngậm ngùi gác lại giấc mơ giảng đường còn dang dở trở về nhà chăm sóc mẹ và phụ làm kinh tế gia đình.
Từ nhỏ, anh Nhân đã thích chăn nuôi trồng trọt, vì vậy khi về sinh sống làm nông với gia đình là cơ hội để anh làm công việc ưa thích của mình. Năm 2015, Nhân nhờ ba mẹ vay mượn được 50 triệu xây dựng chuồng trại, quây lưới để nuôi gà theo mô hình thả vườn với giống gà lai nòi. “Thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm nuôi, nên gà thường mắc dịch chết rất nhiều, lỗ vốn. Quyết tâm không bỏ cuộc, Nhân mạnh dạn đầu tư lứa mới, vừa tìm nguyên nhân, vừa tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi gà trên sách báo và các phương tiện thông tin truyền thông. Từ đó hiểu được thuộc tính, bệnh tật và cách phòng trị bệnh của loài gà lai nòi Bến Tre, nên chủ động phòng chống dịch, thay đổi cách chăm sóc cho phù hợp hơn” – anh Nhân chia sẻ.
Anh Thái Thành Nhân bên vườn ổi vừa của mình |
Hiện nay, trại gà của anh Nhân một năm xuất 3 lứa, mỗi lứa gà trên 500 con, trọng lượng từ 1,6 đến 2 kg với giá từ 80 đến 85 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của anh Nhân, sau khi trừ chi phí, anh Nhân thu về khoảng 100 triệu đồng từ việc nuôi gà. “Thời gian tới, mình sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời đầu tư máy ấp trứng, để vừa cung cấp giống gà cho gia đình vừa bán gà giống ra thị trường” – anh Nhân nói.
Không chỉ phát triển chăn nuôi gà, Nhân còn tận dụng 3 sào đất rìa suối của gia đình để trồng ổi Đài Loan. Đến nay đã cho thu vụ đầu tiên được hơn 2 tấn ổi, với giá bán tại vườn trên 10 ngàn đồng/kg cũng mang lại cho gia đình anh một khoản thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Chị Mai Thị Tám, Bí thư Xã Đoàn Phước Tân cho biết: “Thái Thành Nhân là một thanh niên biết sửa chửa lỗi lầm, có ý chí vươn lên gây dựng cuộc đời, khởi nghiệp, xây dựng kinh tế gia đình từ điều kiện đầy khó khăn. Đó là tấm gương sáng để Đoàn xã tuyên truyền nhân rộng tấm gương điển hình tới các đoàn viên. Từ cách làm kinh tế của Nhân, từ đó đoàn thanh niên có hướng sẽ lấy mô hình nuôi gà của Nhân để làm mô hình điểm nhân rộng ra giúp các thanh niên khác trong xã học hỏi kinh nghiệm áp dụng mở rộng mô hình trên địa bàn xã”.
Làm giàu từ kinh nghiệm từ thực tế
Khác với hoàn cảnh của anh Nhân, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 1999, anh Phan Thanh Thuận và mẹ lên Bình Phước lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Khi mới lên, cuộc sống gia đình rất khó khăn, vừa làm thuê, làm mướn và chăm chỉ làm lụng cải tạo diện tích 1 ha đất được giao theo diện kinh tế mới. Những lúc nông nhàn anh Thuận tranh thủ đi bắt rắn để bán kiếm thêm thu nhập. Anh Thuận tâm sự: “Hồi đó, chỉ với đôi bàn tay trần, dù hiểm nguy đến tính mạng bất cứ lúc nào, nhưng vì cuộc sống mưu sinh của hai mẹ con nên cũng phải làm. Đó cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà thôi, giờ nghĩ lại vẫn còn giật mình trước những tiếng thở phì phò của loài rắn hổ mang”.
Anh Phan Thanh Thuận bên vườn bưởi trĩu quả sau bao nhiêu năm vất vả gầy dựng |
Sau khi cải tạo đất đai trở nên bằng phẳng và màu mỡ hơn. Và để dễ canh tác, anh Thuận bắt tay trồng giống cà phê mít và một số ít cà phê vối. Nhưng anh nhận thấy giống cà phê mít, cà phê vối đang trồng năng suất không cao. Do đó, anh Thuận mạnh dạn tìm tòi và tự chiết, ghép giống cà phê vối với cà phê mít để ra giống cà phê cho năng suất và sản lượng cao hơn, chống chọi được bệnh tật và chịu hạn tốt, trung bình đạt hơn 3 tấn/ha. Ngoài ra, anh Thuận còn giúp anh em bạn bè ghép, nhân giống cà phê. Đến nay anh đã thuần thục kỹ thuật trồng, chiết, ghép cây cà phê như một “kỹ sư nông dân” lành nghề.
Hiện nay, anh Thuận đã phát triển diện tích đất của mình được hơn 3 ha trồng vườn cây đa canh gồm bưởi, điều, tiêu. Từ kinh nghiệm chiết ghép cà phê, anh Thuận tiếp tục chuyển sang chiết ghép bưởi để chất lượng, năng suất loại cây trồng này cao hơn. Hiện trong vườn cây đa canh của anh Thuận, ngoài 3 ha trồng xen canh điều, cà phê, anh cũng trồng được hơn 100 trụ tiêu quanh gốc điều cho năng suất trung bình 10 kg/gốc và hơn 100 gốc bưởi với năng suất trung bình 1,4 – 1,6 tạ/cây. Bên cạnh đó, anh Thuận cũng áp dụng biện pháp tự ủ phân, tận dụng vỏ hạt cà phê khi bóc tách ra rồi trộn với phân bò, lân, ka li với tỷ lệ thích hợp thành phân hữu cơ cũng giúp anh giảm chi phí phân bón cho vườn cây của mình. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, vườn cây đa canh của anh Thuận cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng. Với cơ ngời hiện có, anh Phan Thanh Thuận trở thành một trong những gương thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi của xã Phú Trung.
Nguồn khoahocthoidai.vn