Chuyên gia cao cấp của WHO nhận định việc Trung Quốc sử dụng huyết tương của những người khỏi bệnh COVID-19 để điều trị cho người đang bệnh là giải pháp ‘rất hợp lý’ và cần theo đuổi.

Chuyên gia WHO: Trung Quốc tiếp cận rất hợp lý khi dùng liệu pháp huyết tương - Ảnh 1.

Ông Hangzhou Lu, đồng chủ nhiệm Trung tâm y tế cộng đồng Thượng Hải, giới thiệu một phòng cách ly theo dõi dành cho người bệnh COVID-19 ở tòa nhà A2 đã xây xong như chưa đưa vào sử dụng tại Thượng Hải ngày 17-2 

Theo hãng tin Reuters, các bác sĩ tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đang sử dụng liệu pháp truyền huyết tương từ những người được điều trị khỏi COVID-19 để chữa cho những người đang bị bệnh này và bước đầu đã ghi nhận những hiệu quả rất tích cực.

Về thông tin này, bác sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã nhận định đây là một cách tiếp cận “rất hợp lý” và cần được thử nghiệm, tuy nhiên điều quan trọng là phải chọn được đúng thời điểm để tăng cường hiệu quả năng lực miễn dịch của người bệnh.

Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Mike Ryan cho biết liệu pháp dùng huyết tương của người khỏi bệnh đã được chứng minh phát huy hiệu quả và cứu sống người bệnh trong nhiều bệnh lây nhiễm khác như bệnh dại, bệnh bạch hầu. “Đây là một lĩnh vực rất quan trọng cần theo đuổi”, ông Ryan nói.

Tính tới ngày 17-2, Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, đã có 332 ca bị COVID-19, một người đã chết. Theo ông Lu Hongzhou, giáo sư kiêm đồng chủ nhiệm Trung tâm y tế sức khỏe cộng đồng Thượng Hải, vẫn còn 184 ca trong viện, trong đó 166 ca không nặng và 18 ca nguy kịch.

Theo ông Lu Hongzhou, bệnh viện của ông đã lập riêng một trung tâm y tế đặc biệt chuyên thực hiện liệu pháp điều trị bằng huyết tương và đang trong quá trình chọn lựa những người bệnh đã khỏi COVID-19 tình nguyện hiến máu cứu người.

Máu hiến sẽ còn phải qua khâu kiểm tra để xem có nhiễm các bệnh khác như viêm gan B, C, HIV… hay không.

“Chúng tôi lạc quan là phương pháp này sẽ rất hiệu quả với người bệnh của mình”, ông Lu Hongzhou nói.

Hiện chưa có vắcxin hay thuốc điều trị bệnh COVID-19 và quá trình nghiên cứu, phát triển cũng như thử nghiệm các loại thuốc này sẽ còn phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm nữa.

Chuyên gia WHO: Trung Quốc tiếp cận rất hợp lý khi dùng liệu pháp huyết tương - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 16-2-2020 

80% ca bệnh COVID-19 không nghiêm trọng

Giới chức y tế Trung Quốc vừa công bố báo cáo chi tiết đầu tiên về gần 45.000 ca bệnh COVID-19 của nước này. Theo đó, báo cáo cho biết hơn 80% số ca bệnh đã có biểu hiện triệu chứng nhẹ, không nghiêm trọng và có vẻ như số ca nhiễm mới đã giảm từ đầu tháng 2. Dù vậy báo cáo cũng thận trọng cho rằng vẫn còn là quá sớm để biết dịch bệnh đã chạm đỉnh hay chưa.

Theo hãng tin AP, đây là bản báo cáo do Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật (CDC) Trung Quốc gửi lên WHO ngày 17-2. Theo tổng giám đốc WHO, bản báo cáo đã giúp WHO “có được bức tranh rõ ràng hơn về dịch bệnh, tình hình diễn biến hiện nay và xu hướng tiếp theo của nó”.

Tuy nhiên ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói: “Vẫn còn quá sớm để nói xu hướng giảm dần của dịch bệnh sẽ tiếp tục. Mọi tình huống diễn ra sẽ vẫn đang được xem xét”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : coronađiều trịhuyết tươngtrung quocVũ HanWHO

Các tin liên quan đến bài viết