Thế giới mạng ngày càng phát triển đồng nghĩa với các nguy cơ cũng gia tăng. Trẻ em là đối tượng cần được cảnh báo bởi cách tiếp cận còn “non nớt”, thiếu tính chọn lọc.
Trong thời đại 4.0, việc sử dụng mạng xã hội là phổ biến. Không chỉ người lớn, trẻ em cũng có thể bị “nghiện” nếu sa đà vào không gian mạng. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Một số trẻ bị lợi dụng hình ảnh hoặc bị người sử dụng mạng xã hội lôi kéo, làm những việc không đúng. Tuy nhiên, việc cấm trẻ sử dụng mạng xã hội là điều rất khó. Việc cần làm và bức thiết nhất chính là tìm ra các giải pháp giúp trẻ có thể tham gia vào thế giới mạng một cách “trong sạch”, an toàn. |
Tự nhiên thấy ảnh con quảng cáo nội dung phản cảm
Chị N.L.A (39 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) bức xúc khi kể về câu chuyện của con mình nhiều tháng trước. Chị cho biết, con chị là người “có hình ảnh” ở trên mạng xã hội bởi chị thường xuyên chia sẻ những trải nghiệm, thành tích của con lên mạng.
Không chỉ có thành tích về học tập, cậu con trai 12 tuổi còn là gương mặt quảng cáo cho nhiều shop quần áo trẻ em. Chị cho con làm việc này vì muốn con năng động, hoạt bát hơn.
Nhưng một ngày, chị giật mình khi thấy hình ảnh của con được quảng cáo tràn lan ở một trang mạng xã hội với nội dung phản cảm: “Con học đòi làm người lớn, yêu sớm…”. Dù được che mặt nhưng những người quen nhìn đều nhận ra con chị L.A. Hơn cả, việc làm này chưa được sự cho phép của chị.
Những quảng cáo đăng trên mạng không rõ địa chỉ hoặc dùng tên giả nên dù có ý kiến chị cũng không nhận được phản hồi.
“Hình ảnh của con mình tự nhiên mang ra làm quảng cáo với nội dung phản cảm, không lẽ mình lại không bức xúc? Hơn nữa, đây là vi phạm nghiêm trọng quyền sử dụng hình ảnh cá nhân”, chị L.A chia sẻ.
Trẻ nhỏ sử dụng mạng xã hội sớm, nguy cơ lao vào cạm bẫy.
Nhiều đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh các bé trên mạng một cách trái phép để lấy được sự thương cảm, lòng trắc ẩn nhằm trục lợi về vật chất.
Đó là câu chuyện của chị H.T.H (Hà Nội). Chị từng “hết hồn” khi bỗng một ngày hình ảnh con nằm viện bị mang ra kêu gọi từ thiện. Một trang mạng lấy hình ảnh che mặt của con gái chị ra “câu view” và bịa đặt một câu chuyện bi thương nhằm kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Một số người đã bị lừa bởi chiêu trò này và đã thực sự chuyển tiền cho họ.
Nhiều người thân nhận ra hình ảnh của con và gửi cho chị, chị mới nắm được tình hình. Sự việc khiến chị và gia đình nhận cú sốc lớn, buộc phải tìm đến cơ quan chức năng xin giải quyết.
Không chỉ hình ảnh của trẻ nhỏ bị kẻ xấu trên mạng mang ra lợi dụng, lừa đảo mà thực tế nhiều trẻ khi tiếp xúc với mạng xã hội nhiều, không có chọn lọc tự biến mình thành nạn nhân.
“Sau mấy tháng hè, con tôi chỉ ở nhà nhưng dần học được tính lươn lẹo, mánh khóe, bày mưu tính kế, nói dối với bố mẹ mình. Ban đầu tôi hoàn toàn tin tưởng những lời con nói, thậm chí còn bênh vực con khi thấy hàng xóm phản ánh cháu hỗn, hay bịa đặt chuyện.
Nhưng rồi, sau thời gian tìm hiểu, tôi phát hiện, con học được những điều đó ở các clip trên mạng. Ông bà khó kiểm soát, bố mẹ đi làm lại không thể gọi điện nhắc nhở liên tục dẫn tới tình trạng trẻ bị ‘nhiễm’ thói xấu.
Sau mấy lần chứng kiến con xem các clip diễn trò ở trên mạng, tôi mới nhận ra. Tôi tra khảo con thì biết hàng xóm phản ánh không hề sai việc con lươn lẹo, dối trá thậm chí lấy đồ nhà hàng xóm không xin phép. Quá bức xúc, tôi cấm tiệt con xem tivi, điện thoại từ đó”, chị Lê.T.V (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Có thể nói, việc để trẻ tiếp xúc với mạng xã hội mà không có sự kiểm soát của bố mẹ là rất nguy hiểm. Không chỉ vậy, việc cha mẹ thường xuyên chia sẻ hình ảnh của con em mình lên mạng xã hội cũng là việc làm cần thận trọng.
Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi. Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, có 96,9% trẻ em sử dụng mạng Internet. Như vậy, trung bình có 9/10 trẻ em sử dụng thiết bị kết nối Internet, 9/10 trẻ em thường xuyên lên mạng hằng ngày.
Mặt khác, thống kê của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cũng chỉ ra rằng có 36,5% trẻ em phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Việc thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội chính là nguyên nhân chủ yếu khiến các em gặp phải những tác động tiêu cực bởi không gian mạng.
Riêng trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có tổng cộng 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý.
Lời khuyên từ chuyên gia về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, TS. Vũ Việt Anh, một chuyên gia tâm lý giáo dục và Tổng giám đốc Học viện Thành Công, đã đưa ra những lời khuyên quý báu về cách bảo vệ trẻ em khỏi những tiềm ẩn nguy cơ khi các em tiếp xúc với không gian mạng.
TS. Vũ Việt Anh – chuyên gia tâm lý giáo dục – Tổng giám đốc Học viện Thành Công.
Ông không phủ nhận sức mạnh và lợi ích của Internet và nhấn mạnh rằng việc trẻ em sử dụng thiết bị di động và Internet từ sớm cũng mang lại nhiều lợi ích. Các lợi ích này bao gồm tăng cường khả năng giao tiếp và khả năng kết nối với bạn bè trên toàn thế giới, khuyến khích việc tra cứu thông tin hữu ích trong quá trình học tập, và hỗ trợ các em có cơ hội học tập quốc tế.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh về những nguy cơ không lường trước. Việc trẻ em sử dụng Internet quá sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của chính các em. Trẻ em “lang thang” trên mạng mà thiếu sự giám sát và hướng dẫn của người lớn dễ dàng trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Điện thoại và Internet có thể gây nghiện không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với người lớn. Việc trẻ em sử dụng thiết bị di động quá 2 giờ mỗi ngày có thể để lại những hệ lụy đối với sự phát triển của trẻ.
Ông đề xuất một số biện pháp để giúp trẻ em sử dụng Internet một cách an toàn. Gia đình nên hướng dẫn con cái về cách sử dụng Internet, giúp các em lập thời gian biểu sử dụng hợp lý và tuân thủ kỷ luật.
Phụ huynh cần làm gương để các con có thể tuân thủ các quy định. Gia đình cũng có thể tìm các hoạt động thay thế ngoài trời và tham gia các hoạt động xã hội để trẻ em được tham gia, hướng các em đến thế giới bên ngoài nhiều hơn. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm cuộc sống.
Điều quan trọng nhất chính là các em cần phải hiểu và nhận thức đúng đắn về tình trạng của các em. Nếu không thể tự nhận thức được những nguy hại này, thì cha mẹ cần phải giáo dục hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó rất cần có sự kết hợp giữa quy định của nhà trường, văn bản pháp luật và sự thúc đẩy giám sát từ gia đình.
TS. Vũ Việt Anh cũng nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa gia đình, xã hội và trường học trong việc hướng dẫn con cái sử dụng Internet một cách “trong sạch” là rất quan trọng và cần thiết. Cần có chương trình giáo dục bắt buộc từ quản lý Nhà nước về việc sử dụng Internet, thiết lập quy định và thời gian sử dụng phù hợp cho từng độ tuổi và nhóm đối tượng khác nhau. Nhà nước cần xây dựng những ứng dụng để kiểm soát Internet và chặn các thông tin độc hại. Ngoài ra, cần có các chương trình tư vấn tâm lý cho học sinh để các em nhận thức rằng thế giới ngoài kia còn nhiều điều tuyệt vời không chỉ trong không gian mạng.
Cuối cùng, ông khẳng định, sự hợp tác toàn diện giữa gia đình, xã hội và trường học có thể định hình một môi trường an toàn cho trẻ em trải nghiệm không gian mạng.
Nguồn: vietnamnet