Những ai đang nuôi mộng xuất ngoại, đón Giáng sinh ở một nơi xa rất có thể sẽ vỡ mộng vì các nước vẫn thận trọng khi tái mở cửa, và hành lang du lịch tới nay vẫn chưa thành hiện thực vì nhiều lý do.
Các quốc gia trong khu vực châu Á vẫn áp dụng nhiều hạn chế đối với du khách quốc tế và theo các chuyên gia, tình hình sẽ kéo dài như vậy trong thời gian tới.
Vào đầu tháng 5, tâm lý lạc quan lên cao sau khi một số nước bước đầu ngăn chặn thành công sự bùng phát của dịch COVID-19 và dự định mở cửa với các quốc gia thành công tương tự.
Khái niệm này được gọi là “hành lang du lịch” hay “bong bóng du lịch”, được New Zealand nêu ra đầu tiên, sau đó được các nước khác đón nhận như phương án khả thi để đưa du khách quốc tế trở lại.
Nếu thành công, hành lang du lịch sẽ mang lại cho các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch hàng triệu đôla. Nhưng theo Đài CNN, vì một số lý do, hành lang du lịch vẫn chưa thành hiện thực ở châu Á.
“Để hình thành hành lang du lịch cực kỳ phức tạp, lớn hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ” – Mario Hardy, giám đốc điều hành của Hiệp hội Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương (PATA), nói.
Thái Lan
Thái Lan đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại và nối lại các chuyến bay quốc tế, nhưng thật ra điều này chỉ có nhiều ý nghĩa với các doanh nhân và cư dân nước ngoài.
Tuần trước, Thái Lan dường như đã chấp nhận khả năng số ca mắc COVID-19 tăng trở lại để mở cửa cho khách du lịch quốc tế.
Kế hoạch của Thái Lan là chỉ mở cửa với số lượng người và địa điểm hạn chế. Những du khách quốc tế khi nhập cảnh sẽ phải tuân thủ các biện pháp an toàn và sức khỏe nghiêm ngặt, cũng như quy trình kiểm tra và giám sát giống như những người Thái hồi hương.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) còn đề xuất một chương trình thị thực du lịch đặc biệt dành cho du khách lưu trú dài hạn, với chi phí khoảng 2.000 baht (64 USD) và có thể được gia hạn tới 270 ngày.
Thận trọng
Áp lực ngăn chặn thiệt hại kinh tế trong khi cân bằng nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn nặng nề. Các quốc gia lo sợ sẽ tăng các ca bệnh nhập khẩu khi mở cửa cho khách du lịch.
Singapore cũng đang dần mở cửa biên giới bằng việc thiết lập các tuyến đường cho khách công tác ngắn hạn, cũng như cho phép du khách từ một vài quốc gia nhất định tới mà không phải cách ly.
Dù vậy, Singapore vẫn cho rằng hoạt động du lịch như bình thường khó có thể quay lại đến quý 2 năm sau.
Một trong những điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất trong khu vực là Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đến việc mở các hành lang hàng không với nước láng giềng. Các chuyến bay thương mại quốc tế đến Việt Nam từ một số nước châu Á đã nối lại trong tháng này, nhưng vẫn chưa mở cho du khách nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, các quan chức Hong Kong xác nhận với Đài CNN rằng họ đang thiết lập hành lang du lịch với 11 nước có quan hệ kinh tế/du lịch chặt chẽ và tình hình dịch bệnh đã ổn định, trong đó có Việt Nam.
Còn Hàn Quốc, Bộ Du lịch nước này nói chưa có kế hoạch mở cửa cho du lịch quốc tế và cũng chưa có kế hoạch thảo luận về hành lang du lịch.
Nhật Bản cũng chưa công bố kế hoạch khôi phục ngành du lịch. Đất nước này mới chỉ bắt đầu cho phép cư dân nước ngoài nhập cảnh.
Đảo Bali của Indonesia thì lên kế hoạch đón du khách quốc tế từ ngày 11-9, điều này cho phép họ tận dụng du khách từ kỳ nghỉ Tuần lễ vàng ở Trung Quốc vào đầu tháng 10. Tuy nhiên, kế hoạch này bị gác lại khi ca bệnh COVID-19 trong nước tăng cao.
Trung Quốc
Trước khi có dịch COVID-19, Trung Quốc chiếm 16%, tương đương 227 tỉ USD trong số 1,7 nghìn tỉ USD chi tiêu cho du lịch quốc tế trên toàn cầu, theo số liệu từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Công ty phân tích du lịch Forward Keys dự đoán du lịch nội địa ở Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, du khách Trung Quốc có thể sẽ không ra nước ngoài trong khoảng thời gian này hay trong kỳ nghỉ xuân sắp tới.
Giờ đây, với ảnh hưởng từ dịch, người Trung Quốc hầu như đi du lịch trong nước, vì những người ra nước ngoài phải cách ly 14 ngày sau khi trở về.
PATA cũng dự đoán du khách Trung Quốc sẽ chỉ đi nội địa trong năm tới và du lịch quốc tế tới năm 2022 mới phục hồi.
Châu Âu
Cách tiếp cận thận trọng của châu Á hoàn toàn trái ngược với châu Âu, nơi nhiều quốc gia đã mở cửa biên giới từ tháng 6.
Báo cáo của UNWTO cho biết trong số 115 điểm đến đã nới lỏng các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 đối với du khách quốc tế kể từ ngày 1-9 thì châu Âu có tới 44 điểm.
Bowerman từ Check in Asia, công ty nghiên cứu thị trường, cho rằng du lịch vào mùa hè không chỉ là phong cách sống, mà là một phần của văn hóa ở châu Âu. Du lịch rất quan trọng về mặt kinh tế và các nước châu Âu cần điều đó.
Nhưng chuyện mở cửa cho du lịch mùa hè của châu Âu không hề suôn sẻ khi số ca bệnh COVID-19 tăng rồi giảm liên tục, chưa kể nhiều trở ngại về quy tắc cách ly khiến du khách bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Các quốc gia như Hi Lạp và Croatia ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 đầu tiên cũng đã ghi nhận số ca bệnh tăng vọt vào tháng 8, khi khách du lịch đi nghỉ hè trong biên giới châu Âu.
Nguồn: tuoitre.vn