Sáng 19/11, Hội truyền thông số Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo Chuyển đổi số, cơ hội và thách thức.

Tham dự buổi hội thảo có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cùng nhiều chuyên gia công nghệ và các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách trong lĩnh vực Thông tin & Truyền thông.

Mở đầu buổi hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã nêu bật tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với quá trình phát triển của cuộc CMCN 4.0. Theo đó, chuyển đổi số không còn là việc riêng của tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân mà tất cả đều phải chấp nhận sự thay đổi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, nếu không thay đổi, chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau, có thể đe dọa tới sự tồn tại chứ chưa nói tới việc phát triển trong tương lai.

'Chuyển đổi số sẽ thay đổi cách chúng ta sống'
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã nêu bật tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với quá trình phát triển của cuộc CMCN 4.0. 

Trong bối cảnh đó, Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức buổi hội thảo nhằm tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như các tổ chức và chuyên gia cùng nhau nhìn rõ hơn về các cơ hội và thách thức của công cuộc chuyển đổi số, từ đó có thể thích ứng với cuộc CMCN lần thứ 4 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên thế giới.

Chuyển đổi số là gì? Phân biệt Số hoá và Chuyển đổi số

Trên thế giới có hàng ngàn định nghĩa về chuyển đổi số. Theo đó, Gadner cho rằng chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

Với Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới.

Với định nghĩa thứ 3 của Techopedia, chuyển đổi số là những thay đổi tổng thể và toàn diện liên quan đến công nghệ số và tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục tin học hoá (Bộ TT&TT), từ những khái niệm này, chúng ta có thể hình thành nên một nhận thức chung về chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số gắn với 3 đối tượng là con người, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

'Chuyển đổi số sẽ thay đổi cách chúng ta sống'
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục tin học hoá (Bộ TT&TT) chia sẻ những thông tin quan trọng về Chuyển đổi số.

Đối với con người, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số sử dụng công nghệ số và dữ liệu để làm thay đổi mô hình kinh doanh, ví dụ như grab và uber, kinh doanh taxi nhưng ko có taxi nào, Airbnb kinh doanh dịch vụ lưu trú nhưng không sở hữu một phòng khách sạn nào.

Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số còn là việc dùng dữ liệu công nghệ số để thay đổi quy trình cung cấp dịch vụ, sản phẩm, thay đổi sản phẩm và dịch vụ.

Với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều người vẫn còn mơ hồ giữa 2 khái niệm Số hoá và Chuyển đổi số. Ông Nguyễn Thành Phúc cho rằng, số hoá là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.

Vì sao phải chuyển đổi số? Chuyển đổi số mang lại gì cho Việt Nam?

Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á TBD, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.

Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

'Chuyển đổi số sẽ thay đổi cách chúng ta sống'
Các chuyên gia chia sẻ quan điểm của mình trước những cơ hội và thách thức do Chuyển đổi số mang lại.

Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, đây là vấn đề mà Việt Nam phải giải quyết trong nhiều năm tới nếu muốn thoát bẫy thu nhập trung bình.

Chuyển đổi số sẽ tác động đến cơ cấu việc làm. Các số liệu của Microsoft đã chỉ ra rằng, trong vòng 3 năm nữa, 85% các công việc sẽ phải thay đổi, nhiều công việc đòi hỏi người lao động phải tự đào tạo để nâng cao kỹ năng số, 26% là công việc mới do chuyển đổi số mang lại, 27% công việc sẽ biến mất trong tương lai.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Phúc cho rằng, chuyển đổi số đang diễn ra ở Việt Nam, tuy nhiên không mang tính tiếp cận tổng thể, theo một cái nhìn đẩy đủ dưới góc độ một quốc gia.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh rằng, để có thể chuyển đổi số thành công thì cả 3 đối tượng gồm con người, doanh nghiệp và nhà nước đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi.

Dữ liệu là cốt lõi đối với việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số phải xoay quanh người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm. Chính phủ phải là nền tảng, tạo ra nền tảng chung không chỉ cho nhà nước mà còn cho xã hội. Nền tảng đó chính là cơ sở dữ liệu định danh người dùng, hệ thống kết nối chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu mở.

“Chính vì vậy, Bộ TT&TT sẽ xây dựng một đề án tổng thể về chuyển đổi số quốc gia. Khi đề án chuyển đổi số được ban hành, chúng ta sẽ rõ được tầm nhìn, phạm vi và những giải pháp của nhà nước để thúc đẩy việc chuyển đổi số” , ông Nguyễn Thành Phúc nói.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Cách mạng công nghiệp 4.0chuyển đổi sốkinh tế số

Các tin liên quan đến bài viết