10 năm qua, trong khi nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị “nhấn chìm” bởi làn sóng công nghệ thông tin thì giáo dục đại học gần như không bị ảnh hưởng.
Đó là nhận định trong cuốn sách về chuyển đổi số và quá trình quốc tế hóa của các trường đại học do Chương trình học bổng Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu, phát hành năm 2019. Cũng theo cuốn sách này, giảng viên và sinh viên vẫn giữ cách dạy – học truyền thống và thiếu động lực để đổi mới.
Còn tại hội thảo “Đại học thông minh, cơ hội và thách thức” được tổ chức cách đây gần một năm, PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng, Viện Tự động hóa và Điều khiển, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm đảo lộn toàn bộ hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Các trường của Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi nhưng mới ở vạch xuất phát.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến tất cả phải thay đổi. Các trường đại học, dù muốn hay không, buộc phải tham gia hoặc tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số.
Người thầy phải mạnh dạn ra khỏi “vùng an toàn”
Ông Phạm Thái Sơn, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM khẳng định người thầy đóng vai trò rất quan trọng trong sự chuyển đổi số.
“Các thầy cô bắt buộc phải chuyển đổi số trước khi muốn mọi người chuyển đổi. Hiện tại, các trường đã và đang chuyển đổi tư duy sang tư duy số, các trường đang xây dựng mô hình số hóa bài giảng, tài liệu học tập…, những cái mà từ xưa đến nay vẫn sử dụng sang sử dụng tài nguyên số.
Theo ông Sơn, ngày nay, ngoài kiến thức chuyên môn, giảng viên cần phải biết thêm kiến thức về công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.
“Khi sinh viên thường xuyên tiếp cận với công nghệ thì cho dù giảng viên có thể không rành rọt về công nghệ thông tin nhưng phải biết đủ để sử dụng. Thầy cô phải mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” trước đây để theo kịp với những thay đổi của thời đại”.
|
Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngay trong thời gian dịch bùng phát, đội ngũ giảng viên đã nhanh chóng đẩy nguồn học liệu dồi dào của trường lên mạng kết hợp với các nguồn học liệu quốc tế có sẵn khác để nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến.
GS.TS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu và phát triển của nhà trường, chỉ ra rằng thách thức của chuyển đổi số là thay đổi tư duy của người dùng.
“Chúng ta không thể làm việc theo cách cũ trên một hệ thống số hóa mới. Chuyển đổi số không phải chuyển từ “giấy” lên “mạng”. Chuyển đổi số phải gắn với việc chuẩn hóa theo quốc tế và cắt giảm các thủ tục rườm rà. Chuyển đổi số khiến mọi đơn vị, mọi cá nhân phải tư duy lại quy trình làm việc”.
Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mục đích cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục đại học là nâng cao chất lượng và trải nghiệm học tập của người học. Bên cạnh đó, tận dụng công nghệ số để tăng sức cạnh tranh của nhà trường, tạo ra văn hóa đưa ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu để tối ưu hóa các nguồn lực của trường.
Còn với Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trong lĩnh vực đào tạo, kết quả thực hiện lộ trình chuyển đổi cho thấy phương pháp dạy học đang là khâu chậm chuyển đổi nhất, trở thành nút thắt cơ bản nhất hiện nay.
Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho rằng trong thời gian tới, các đơn vị đào tạo cần phải tập trung thực hiện triển khai dạy học kết hợp cho tất cả các học phần có lý thuyết, các học phần thí nghiệm/thực hành trên máy tính. Phát triển các Chương trình đào tạo trực tuyến hoàn toàn cho các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh doanh; Đa dạng hóa các chương trình đào tạo theo hướng liên, xuyên ngành có tích hợp công nghệ số.
Bên cạnh đó, điều quan trọng, theo ông Thực là phải bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ để thực hiện các phương pháp dạy học ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số, các hình thức đào tạo online, đào tạo qua môi trường ảo.
“Đặc biệt trong bối cảnh kỹ thuật, công nghệ thay đổi rất nhanh, việc hình thành năng lực tự học và ý thức học tập suốt đời cần được coi trọng hơn kiến thức của ngành đào tạo” – ông Thực chia sẻ quan điểm.
Yếu tố quyết định thành – bại của chuyển đổi số giáo dục
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, số giảng viên tham gia dạy học số có sự tăng trưởng mạnh mẽ chỉ sau vài năm.
Theo thống kê của nhà trường, nếu như học kỳ I năm học 2014-2015 chỉ có 17 người thì đến học kỳ 1 năm 2017-2018, hầu hết giảng viên đã sử dụng nền tảng, công cụ dạy học số để tăng cường chất lượng dạy học. Tới nay, con số này là khoảng 700 giảng viên.
Số giảng viên tham gia dạy học số tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM qua các năm |
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù đã chủ động, điều chỉnh từng bước nhưng nhiều giảng viên không thích nghi kịp với công nghệ mới. Vì vậy, điều nan giải cho các trường là tốn thêm chi phí thuê nền tảng công nghệ hằng năm để hoạt động. Trong khi đó, giảng viên phải được tập huấn công nghệ liên tục, đôi khi gây áp lực, quá tải.
“Giảng viên phải năng động, chủ động làm chủ công nghệ. Các trường phải đầu tư server và trung tâm big data tốt, cùng với đó là xây dựng trường quay bài giảng. Tất cả phải thay đổi tư duy về dạy học số mới thực hiện được” – ông Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Sơn nhận định các thầy cô không chuyển đổi hoặc chuyển đổi số nửa vời sẽ làm cho quá trình này bị đình trệ.
“Các thầy cô thuộc thế hệ cũ và không sử dụng công nghệ thì khó khăn trong giảng dạy. Việc này với giảng viên trẻ thì dễ dàng hơn. Yếu tố công nghệ và sử dụng công nghệ sẽ quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi số” – ông Sơn khẳng định.
Nguồn: vietnamnet