Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thông báo kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Chuyển 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, khởi công trong tháng 8 - Ảnh 1.

Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thuộc đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang được đầu tư theo hình thức BOT 

Với dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Thủ tướng khẳng định đây là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52. Trong đó có 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Bộ Giao thông vận tải đã triển khai phê duyệt thiết kế kỹ thuật và sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án PPP, tuy nhiên tiến độ chậm so với yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất chuyển đổi 3 dự án có nhu cầu cấp bách gồm đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước; sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng Kinh doanh – quản lý (O&M) để thu hồi vốn.

Với tinh thần quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng chỉ đạo lấy thêm ý kiến một số bộ, ngành về phương án đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Ngày 13-3, Bộ Kế hoạch – đầu tư có văn bản đề nghị chuyển toàn bộ 8 dự án PPP sang đầu tư công.

Ngày 16-3, Thủ tướng đã có buổi tiếp tục làm việc trực tiếp với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ để thống nhất thêm về chủ trương. Các vấn đề này cũng đã được báo cáo Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 20-3-2020.

Trên cơ sở đó, thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư chuyển toàn bộ 8 dự án PPP sang đầu tư công.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất các giải pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công toàn bộ 8 dự án, muộn nhất là tháng 8-2020. Lựa chọn các nhà thầu phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm đến thời điểm khởi công phải cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện song song các thủ tục cần thiết theo quy định để ngay sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua có thể triển khai ngay.

Đối với dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng việc sớm triển khai đầu tư đoạn cao tốc này là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực vận tải trên trục cao tốc quan trọng từ TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vùng.

Theo Thủ tướng, hiện nay trục đường bộ cao tốc Bắc – Nam kết nối TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đưa vào khai thác đoạn TP.HCM – Trung Lương, cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận đang đầu tư theo hình thức BOT tiến độ hoàn thành năm 2021.

Vì vậy Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chuyển đổi dự án đường cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ từ hình thức PPP sang hình thức đầu tư công theo đề xuất của Bộ Kế hoạch – đầu tư và áp dụng cơ chế như các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công nêu trên.

Mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch – đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nhằm bảo đảm nhu cầu vốn chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cho 8 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo thực hiện các dự án nêu trên, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cao tốc Bắc - Namđầu tư côngđường cao tốcTrung lương - Mỹ Thuận

Các tin liên quan đến bài viết