TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng rất cần phát triển hài hòa cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học vì nguồn lực con người và sự sáng tạo của con người Việt Nam là vô tận.

LTS: Câu chuyện “Học đại học để làm gì” một lần nữa lại trở nên “nóng” khi ĐBQH Bùi Sỹ Lợi đưa ra quan điểm: “Không thể nói trường nghề không được dạy văn hóa. Nói như vậy là sai tinh thần của Nghị quyết Trung ương. Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh phân luồng giáo dục. Trong đó phân luồng sau THCS (phân luồng ở giai đoạn đầu tiên) có ít nhất 30% học sinh đi học nghề, còn 70% học tiếp lên bậc THPT. Sau khi học nghề, học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng văn hóa. Tại sao lại ngăn cấm? Hết THPT thì 70% đi học nghề và chỉ 30% đại học thôi”.

Gửi đến VietNamNet, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng có đôi điều cần trao đổi thêm. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Chuyện '3 bằng đại học vẫn thất nghiệp': Hai vấn đề cần nói rõ
TS Hoàng Ngọc Vinh

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Luật Giáo dục 2019, các trường trung cấp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Giấy chứng nhận này được học lên trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, công văn số 2691/BGDĐT-GDĐH ngày 23/6/2017 và công văn số 4656/BGDĐT-GDTrH đã khẳng định rõ:” Thống nhất với đề nghị của Bộ LĐTBXH để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Như vậy không hề có việc không cho các trường nghề dạy các môn văn hóa.

Vấn đề ở đây là một số trường nghề vừa muốn cho học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT nên rất vướng bởi một số lý do.

Một là luật hiện hành chỉ cho phép học sinh trường nghề học đủ khối lượng các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT mà không phải học văn hóa trong trường nghề để thi tốt nghiệp THPT.

Luật Giáo dục 2019 quy định chỉ có các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) mới có chức năng thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT). Bởi để nhận được một tấm bằng tốt nghiệp ở một trình độ nào đó người học và cơ sở giáo dục phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau đây:

1. Đạt được chuẩn đầu ra của chương trình do cơ quan quản lý quy định.

2. Thời lượng học tập phải đáp ứng.

3. Chương trình giáo dục ( thiết kế nội dung và tổ chức thực hiện) phải đáp ứng được yêu cầu của chuẩn đầu ra.

4. Chất lượng, độ tin cậy kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập và thi cuối khoá.

5. Chịu sự thanh tra của cơ quan quản lý về tuyển sinh, thực hiện chương trình và tuân thủ qui chế đào tạo.

6. Đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng do cơ quan quản lý qui định (cơ sở vật chất, tiêu chuẩn đội ngũ thầy cô, tài chính…).

Nhưng các cơ sở GDNN ở địa phương lại chịu sự quản lý của Sở LĐ-TB&XH, không phải là cơ quan quản lý về GDPT. Vì vậy, tôi nghĩ cần đưa ra kiến giải chỗ này để đảm bảo thực thi đúng Luật và nâng cao hiệu quả quản lý.

“Thâm canh” giáo dục?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi có nói:”… Sau khi học nghề, học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng văn hóa. Tại sao lại ngăn cấm?”.

Tôi từng có 16 năm làm việc trong lĩnh vực GDNN, tham gia xây dựng chính sách GDNN ở Việt Nam và ở khu vực ASEAN, cũng biết nhiều về thực tế GDNN trên thế giới nhưng không đâu như ở Việt Nam. Chúng ta đào tạo người học sau lớp 9 (Điều 33 khoản 2) chỉ cần một năm hoặc hai năm rồi cấp bằng trung cấp theo Luật GDNN. Luật này với chỉ có 55,3% đại biểu thông qua có lẽ là tỉ lệ thấp nhất trong lịch sử làm Luật của QH mà tôi biết.

Mục tiêu đào tạo trung cấp ghi trong Luật chỉ vỏn vẹn có vài dòng tại Điều 4, khoản 2: “Đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm”.

Với một mục tiêu duy nhất như vậy mà có đến 3 khung thời gian đào tạo chắc chỉ có ở Việt Nam.

Mặt khác, chỉ học mỗi chương trình GDTX (khoảng 7,8 môn học) học sinh phải mất 3 năm trời vất vả mà có địa phương tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn dưới 25%.

Vậy liệu người học nghề có thể học một lúc hai văn bằng trong khung thời gian là 3 năm?. Điều này rất phản sư phạm vì gây ra sự quá tải cho người học. Nhìn sang Trung Quốc, học sinh phải mất 4 năm mới có thể nhận được cả bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề. Trong giáo dục không thể thâm canh tăng năng suất được trừ khi có giải pháp công nghệ đột phá.

Tôi rất tiếc là nhiều người đã không thể giải thích cho xã hội hiểu rằng bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp 9+3 là đủ để học đại học và có thể là điều kiện để làm việc ở trong và nước ngoài, được công nhận ở trình độ cấp trung học như hầu hết các quốc gia khác từ châu Âu qua châu Á và Mỹ.

Thứ ba, một cơ sở GDNN ra đời và hoạt động theo sứ mệnh của mình là đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp. Nếu có dạy các môn văn hóa là để phục vụ cho sứ mệnh trên mà không phải là để dạy và cấp bằng tốt nghiệp THPT thì lại sai mất sứ mạng của mình là đào tạo nghề.

Cần phát triển hài hòa 

Vấn đề thứ hai, “… Học đại học nhiều để làm gì? Có những 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là một hiện thực của Việt Nam”.

Tôi biết không có quốc gia nào muốn đổi mới sáng tạo mà không phát triển GDĐH. Nguyên nhân của thất nghiệp không phải chỉ do đào tạo. Những vấn đề về thể chế thị trường và nhu cầu nhân lực, điều kiện kinh tế, văn hóa…cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến thất nghiệp.

Tôi cho rằng, GDĐH Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm cũng như GDNN để nâng tầm chất lượng nhân lực của Việt Nam. Tuy vậy, thực chất cả hệ thống GDĐH đã đạt được những thành tựu đáng kể nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ nhiều cơ chế mới ban hành gỡ bỏ những rào cản phát triển GDĐH. Tôi đang nhìn thấy sự chuyển động tích cực của GDĐH trong mấy năm qua nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ.

Mặt khác, trong cơ cấu trình độ nhân lực ở nước ta, lao động chưa có có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn rất cao trên 78%, lao động có trình độ từ ĐH trở lên khoảng trên 13%. Như vậy, vừa phải tăng cường đào tạo kỹ năng nghề vừa phải phát triển GDĐH có chất lượng nhiều hơn nữa thay vì đặt câu hỏi “…học để đại học nhiều để làm gì”.

Không ai muốn Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất của thế giới dựa trên chi phí lao động cơ bắp. Trong khi cả quốc gia đang phải chuyển đổi số khẩn trương, quyết liệt thì không có cách nào hơn là phải phát triển GDĐH để phù hợp với tình hình mới.

Tài nguyên thiên nhiên rồi sẽ cạn kiệt, chỉ có nguồn lực con người và sự sáng tạo của con người là vô tận. Vì thế rất cần phát triển hài hòa cả GDPT, GDNN và GDĐH mà không nên “nhất bên trọng nhất bên khinh”, tránh làm “méo mó” hình ảnh GDĐH cũng như GDNN ở Việt Nam hiện nay.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bằng đại họccử nhânđại họcgiáo dụcgiáo dục nghề nghiệp

Các tin liên quan đến bài viết