Theo lộ trình mà Bộ GD-ĐT giới thiệu, từ năm học 2020 – 2021, học sinh lớp 1 sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới; đến năm học 2024-2025 xong “cuốn chiếu” xong bậc học này.
So với 3 cấp học, chương trình ở bậc Tiểu học ít biến đổi hơn cả, ngoài việc xuất hiện thêm môn học mới là Tin học và Công nghệ, cùng với việc chính thức hoá việc làm quen với tiếng Anh ở lớp 1, lớp 2.
So sánh kế hoạch giáo dục giữa chương trình giáo dục tiểu học hiện hành và chương trình giáo dục mới như sau:
(Bấm vào hình để xem chi tiết)
Mặc dù có một số thay đổi, nhưng thời lượng học môn Tiếng Việt vẫn bằng thời lượng học trong chương trình hiện hành; với 1.505 tiết (trung bình 43 tiết/tuần), chiếm 31% tổng thời lượng chương trình dành cho các môn học bắt buộc. Điều này được giải thích là để bảo đảm học sinh đọc thông viết thạo, tạo tiền đề học các môn học khác. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số thì việc có đủ thời gian học tiếng Việt càng quan trọng.
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở tiểu học gồm 10 môn và 1 hoạt động : Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (Lớp 3,4,5); Tự nhiên và xã hội (Lớp 1,2,3); Lịch sử và Địa lí (Lớp 4,5); Khoa học (Lớp 4,5); Tin học và Công nghệ (Lớp 3,4,5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) và Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương).
Nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô–đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng): Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (dạy tăng cường ở lớp 1, lớp 2).
Chương trình giáo dục tiểu học được thiết kế để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút. Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kết hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Nguồn: vietnamnet