Làm thế nào để bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS)? Làm gì để các công trình văn hóa, di tích văn hóa lịch sử ở nhiều nơi đã và đang bị xuống cấp có kinh phí để bảo tồn, trùng tu?… Đây là những vấn đề đã được dư luận và báo chí phản ánh nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa qua, vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang nêu ra.
Ảnh minh họa
Công trình văn hóa xuống cấp thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quản lý phải kể đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có tổng diện tích 1.544 ha. Đây là dự án với mục đích là nơi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em. Công trình được xây dựng với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, nhưng sau 7 năm đưa vào sử dụng nhiều hạng mục đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, thậm chí bị bỏ hoang, không phát huy được tác dụng. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng) chỉ mới sau gần 2 năm đi vào hoạt động, một số hạng mục công trình thuộc giai đoạn 1 đã bắt đầu xuống cấp và bộc lộ nhiều bất cập mà báo chí đã phản ánh. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào dân tộc S’tiêng nói chung và nhân dân sóc Bom Bo nói riêng. Vì vậy, cần phải được đầu tư kinh phí, thường xuyên bổ sung, sửa chữa, chống xuống cấp để tiếp tục thực hiện các hạng mục giai đoạn 2.
Trả lời câu hỏi về vấn đề quản lý, bảo tồn văn hóa DTTS trước nguy cơ mai một hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch luôn xác định công tác bảo tồn văn hóa DTTS là nhiệm vụ cấp thiết, cần thực hiện thường xuyên, lâu dài. Bộ cũng đã xây dựng, triển khai đề án bảo tồn các làng bản; hỗ trợ các địa phương mở lớp truyền dạy nghệ thuật truyền thống của các DTTS… Về bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích trước nguy cơ xuống cấp, Bộ trưởng cho rằng vấn đề này còn hạn chế do có nhiều khó khăn, nhất là vấn đề liên quan đến nguồn kinh phí. Từ năm 2015, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã kết thúc. Không có chương trình này, ngành văn hóa không có kinh phí để đầu tư cho việc trùng tu di tích. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch hứa tiếp thu ý kiến của đại biểu Điểu Huỳnh Sang và sẽ tiếp tục có nghiên cứu để tham mưu Chính phủ bổ sung nguồn lực cho công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc và chống xuống cấp các di tích.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước dành nhiều ưu tiên, bởi nó góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng DTTS. Tuy nhiên, điều trước hết là vấn đề trách nhiệm tự thân của các dân tộc. Lực lượng nòng cốt và là nhân tố bảo đảm sự thành công việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chính là đồng bào các DTTS. Các công trình văn hóa trên địa bàn đồng bào phải có ý thức chung tay gìn giữ, bảo quản, phải coi mình là người chủ thực sự của công trình đó để sử dụng hiệu quả lâu dài.
Thanh Hà