Chuyên gia dự báo năm sau khó xảy ra thiếu điện do đã rút kinh nghiệm về điều hành cung ứng nhưng cần tăng giá điện để dần tiếp cận thị trường.
Tọa đàm cung ứng điện cho năm 2024
Chiều 7-11, tọa đàm về những vấn đề cấp bách của cung ứng điện do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
Từ thực tế ngành điện vừa qua, ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng việc truyền thông về giá điện và ngành điện cần mang tính khách quan. Bởi đang có thực tế là chúng ta đang đánh đồng ngành điện là EVN.
Giải quyết nút thắt về giá điện
“Ở đây chúng ta đang có một sự nhầm lẫn là đánh đồng EVN với ngành điện nên tất tần tật chúng ta đều tập trung vào EVN. Đấy cũng là một trong những cái chúng ta phải làm rõ. Trước đây 20 năm ngành điện là chủ EVN, nhưng sau 20 năm chúng ta thực hiện đổi mới, ngành điện và EVN đã tách ra” – ông Kiên nói.
Theo đó, ông đề nghị cần phải giải được bài toán giữa tập trung và phân tán của ngành điện, hạch toán đúng phần hỗ trợ vào sản lượng điện và thực hiện an sinh xã hội, tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư như là tổng sơ đồ điện 8…
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực miền Bắc, cũng cho rằng thời gian qua Chính phủ đã có nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt với ngành điện. Tuy nhiên ngành còn tồn tại bất cập từ quy hoạch, tổ chức quy hoạch cả ba khâu sản xuất, truyền tải và phân phối, đặc biệt là giá điện.
Phần sản xuất chiếm 70 – 80% cơ cấu giá thành. Nguồn điện cơ bản tổ chức theo cơ chế thị trường, biến động đầu vào dẫn tới biến động giá điện, nhưng từ truyền tải đến phân phối bán lẻ chưa đầy đủ, nên cơ chế điều chỉnh phải mang hơi hướng và theo tín hiệu thị trường.
Phân tích thêm, ông nói việc giữ giá và chỉ tăng 3% trong 4 năm giúp đảm bảo an sinh và mục tiêu vĩ mô, nhưng những rủi ro khác có thể xảy ra.
Vì vậy, buộc phải cân nhắc bài toán thiếu điện, giá phải theo thị trường, đảm bảo ngành điện và nền kinh tế phát triển bền vững. “Nếu không có iPhone thì không chết nhưng thiếu điện thì chết” – ông Hồi nói.
Cũng theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, giá điện thấp hiện đang là điểm nghẽn cần giải quyết. Ông đề nghị nên áp dụng giá điện hai thành phần (tách bạch giá phần công suất và điện năng tiêu thụ) và sửa biểu giá bán lẻ điện bình quân hiện nay.
Theo ông, biểu giá điện sinh hoạt khi sửa cần tính đúng, đủ và tách bạch giữa giá điện công ích với giá sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo nguyên tắc khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Giải pháp để không thiếu điện
Đồng thời, để bảo đảm nhanh chóng nguồn cung ứng điện, trong những năm tới cần đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ; huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án mới và đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Hồi đề nghị luật hóa cao hơn việc điều hành giá, có thể ở mức nghị định thay vì quyết định của Chính phủ như hiện nay, để cơ chế điều hành giá theo tín hiệu thị trường, mới có thể mở rộng cạnh tranh. Lúc đó người dân sẽ thấy trong một năm có nhiều lần điều chỉnh tăng, giảm giá và giá điện từng bước mang tín hiệu của thị trường.
Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng ta đã để các quy định điều chỉnh giá điện quá lâu mà chưa thay đổi. Do đó, cần nhanh chóng sửa các quyết định liên quan tới điều hành giá điện như quyết định 24 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, quyết định 28 biểu giá bán lẻ điện.
Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng dự thảo sửa đổi quyết định 24 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.
“Chúng tôi rất mong muốn với cách làm việc quyết liệt như hiện nay thì những hạn chế thuộc về cơ chế sẽ được nhanh chóng tháo gỡ. Tôi chắc chắn rằng ngành điện khỏe thì nền kinh tế mới khỏe”, ông Hồi chốt lại.
Nguồn: tuoitre.vn