Hơn bao giờ hết, chúng tôi mong các nhà mạng và cơ quan chức năng chuẩn hóa thông tin tất cả thuê bao di động sớm nhất có thể. Khi đó, vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác, các trò lừa qua điện thoại sẽ “không còn đất sống”.

Khách tìm số để làm SIM điện thoại di động tại cửa hàng MobiFone ở TP.HCM chiều 13-3 - Ảnh: T.T.D.

Khách tìm số để làm SIM điện thoại di động tại cửa hàng MobiFone ở TP.HCM chiều 13-3 

Những chiêu trò lừa đảo, spam, quảng cáo rác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng di động luôn là nỗi bức xúc lớn với người dùng điện thoại. Những kẻ xấu luôn là điều bí ẩn bởi dùng các “số điện thoại lạ”.

Thông tin đăng ký sim chính chủ do các nhà mạng quản lý. Nhưng lắm khi số thuê bao có tên người đăng ký nhưng ai đang sử dụng thì chính chủ không biết, nhà mạng cũng không biết. Nhà mạng đổ cho đại lý. Cơ quan chức năng xử phạt không xuể. Người dùng bức xúc nhưng chỉ biết kêu trời…

Giờ đây, theo yêu cầu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng di động phải nhanh chóng rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.

Theo đó, đến ngày 31-3, tất cả các thuê bao đang hoạt động đều có thông tin thuê bao đúng quy định và trùng khớp với thông tin được đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dùng điện thoại khấp khởi hy vọng từ tháng 4-2023, mọi số điện thoại di động đều “chính chủ”. Khi đó, nhà mạng cũng như cơ quan chức năng dễ dàng tra ra được người phải chịu trách nhiệm cho hoạt động của một số điện thoại di động cụ thể.

Những kẻ đứng sau các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại như mạo danh công an, cơ quan pháp luật, nhân viên nhà mạng, nhân viên công ty bảo hiểm, bưu điện, cục viễn thông… sẽ bị lộ danh tính nhanh chóng khi có hành vi vi phạm pháp luật. Hay những ai thường gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện khủng bố, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác cũng sẽ bị phát hiện dễ dàng.

Khi mọi số thuê bao di động đều được gắn liền với các chủ thể chính xác, rõ ràng, mọi hành vi vi phạm pháp luật qua mạng di động đều có thể xử lý kịp thời. Người dùng sẽ đỡ bị quấy rối bằng số điện thoại lạ như hiện nay. Không còn chuyện ngang nhiên dùng điện thoại mắng chửi, đe dọa người khác.

Để có thể đạt được mục tiêu nêu trên, trách nhiệm của các nhà mạng di động là không hề nhỏ trong việc chuẩn hóa thông tin của khách hàng. Hiện tại các nhà mạng di động lớn đều cung cấp nhiều cách thức cho người dùng cập nhật thông tin “đúng chuẩn”. Việc này người dùng có thể tự làm, không nhất thiết phải đến trực tiếp các điểm giao dịch như trước đây.

Cách làm này rất cần sự chung tay hợp tác của người dùng. Nhà mạng cũng phải nhanh chóng kiểm tra chéo với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo thông tin thuê bao đạt chuẩn hóa theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Vũ Ngọc Sơn (giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS):

Cẩn trọng lừa đảo phát sinh

Đa số người sử dụng các thuê bao đã đăng ký thông tin từ lâu. Các thông tin về số CMND, nơi cư trú có thể không còn đúng với các thông tin mới nhất được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu dân cư. Khi không biết thông tin của mình có trùng khớp hay không, người dùng ít nhiều băn khoăn, chờ đợi sự liên hệ từ nhà mạng.

Trong tâm trạng này, người dùng dễ bị lừa khi có kẻ xấu gửi các tin nhắn giả mạo, lừa đảo như kích hoạt lại sim, đăng ký lại thông tin… Từ đó có thể bị mất sim, mất thông tin cá nhân…

Nhà mạng, nếu được, nên cung cấp một kênh thông tin chính thức, cho phép người dùng tự kiểm tra xem số điện thoại của mình đã chuẩn thông tin đăng ký chưa. Bằng cách này người dùng có thể tự chủ động kiểm tra số điện thoại của mình, tránh bị động và dễ mắc bẫy lừa đảo.

Nguy cơ thứ hai đến từ tin nhắn thương hiệu Brandname. Theo thông báo thì nhà mạng sẽ gửi tin nhắn từ Brandname để hướng dẫn các thuê bao có thông tin chưa chuẩn, tuy nhiên người dùng hết sức cảnh giác vì hình thức gửi tin nhắn brandname giả mạo vốn đã rất phổ biến thời gian qua có thể tái xuất.

Vì vậy kể cả trong trường hợp nhận được thông báo từ brandname người dùng cũng cần hết sức cảnh giác đề phòng, cần xác minh lại qua kênh thứ hai như gọi điện trực tiếp tới nhà mạng để xác minh lại.

Sớm dẹp cuộc gọi lừa

Tôi là một trong rất nhiều nạn nhân của vấn nạn cuộc gọi mạo danh Cục Viễn thông thông báo khóa SIM sau 2 giờ nếu không liên lạc giải quyết.

Tính đến thời điểm này, tôi đã nhận không dưới 10 cuộc gọi hòng giăng bẫy lừa đảo mình. Tôi cảnh giác và không sập bẫy. Nhưng tôi tin chắc rằng rất nhiều người dùng Việt khác vẫn chưa biết trò lừa này hoặc chưa kịp cập nhật thủ đoạn mới của kẻ lừa đảo.

Mới đây, tôi và nhiều bậc cha mẹ khác cũng “choáng” với chiêu trò thông báo con bị tai nạn ở trường học cần đóng tiền viện phí gấp… Những chiêu trò lừa đảo mới sẽ còn xuất hiện nhiều nếu nhà mạng và các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn đến tận gốc rễ hiệu quả nhất. Tôi hy vọng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động sẽ khiến lừa đảo không còn đất sống.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : nhà mạngthuê bao di động

Các tin liên quan đến bài viết